Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 14262 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Các nhiệm vụ được phê duyệt hàng năm
Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm rảo (Metapenaeus Ensis) thâm canh tại Hải Phòng (16/02/2024)
Tôm rảo (Metapenaeus ensis) là một trong những đối tượng tôm nuôi có giá trị kinh tế của ngành thủy sản nước ta. Tôm rảo phân bố rộng rãi ở khắp các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là ở vùng biển thuộc các tỉnh duyên hải đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Trước kia, ở Hải Phòng, tôm rảo phân bố nhiều và cho sản lượng lớn so với các loài tôm khác trong các đầm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Sản phẩm tôm rảo Hải Phòng đã nổi tiếng trên thị trường cả nước. Các kết quả điều tra nguồn lợi cho thấy, trong những năm gần đây, nguồn lợi tôm rảo tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng, sản lượng tự nhiên đạt rất thấp, không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường.
Hiện nay tại Hải Phòng, công nghệ sản xuất giống tôm rảo đã được đầu tư nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà, hoàn toàn chủ động về con giống cho việc nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, nuôi tôm rảo thương phẩm chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến, năng suất đạt <100 kg/ha vụ, nuôi bán thâm canh chưa được phát triển nhiều, chưa đạt hiệu quả như mong muốn để phát triển sản xuất tôm rảo đạt năng suất, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm rảo thâm canh tại Hải Phòng” do TS. Nguyễn Xuân Thành cùng nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên và Môi trường biển đề xuất triển khai,được tư vấn đánh giá kết quả thực hiện vào tháng 6/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ nhằm góp phần giải quyết thực trạng trên. Đề tài đã hệ thống các thông tin lý thuyết, những công nghệ, mô hình, kinh nghiệm nuôi tôm, thống kê phân tích đánh giá những vấn đề liên quan đến nuôi tôm rảo và xây dựng Dư thảo quy trình kỹ thuật nuôi tôm rảo thâm canh.
Hệ thống ao bố trí thí nghiệm nuôi tôm rảo thương phẩm.
Sau 02 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã xác định được: Tôm rảo là loài rộng muối, có thể nuôi, sinh trưởng và phát triển tốt trong nhiều môi trường nước (lợ nhạt, lợ vừa và lợ mặn). Quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh tôm rảo ở Hải Phòng gồm các bước: Cải tạo ao ương, ao nuôi; Lắp đặt, vận hành quạt nước, sục khí; Chọn và thả giống; Chăm sóc và quản lý ao ương, nuôi; Thu hoạch. Các chỉ tiêu kỹ thuật của quy trình gồm: Mật độ ương giống từ 1.000 - 1.300 con/m2; mật độ nuôi tôm thương phẩm từ 60 - 80 con/m2. Tỷ lệ sống của tôm thương phẩm tại các mô hình đạt từ 58,15 - 62,68%; Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) từ 1,41 - 1.62. Năng suất đạt 2,5 - 3,5 tấn/ha.
Tôm rảo được kiểm tra về tốc độ sinh trưởng.
Từ mô hình lý thuyết đã xây dựng đươc trên cơ sở quy trình kỹ thuật, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công các mô hình nuôi thâm canh tôm rảo tại Hải Phòng ở các vùng nước lợ khác nhau gồm: Vùng sinh thái nước lợ mặn (độ mặn trên 15‰); lợ vừa (độ mặn từ 5 - 15‰); lợ nhạt (độ mặn dưới 5‰), với 02 vụ nuôi là Thu Đông (từ tháng 8/2022 - 11/2022) và Xuân Hè (từ tháng 5/2023 đến hết tháng 8/2023). Kết quả triển khai các mô hình ao ương tôm rảo giống vùng nược lợ mặn 300 m2/ao; ao ương tôm rảo giống vùng nước lợ vừa 300 m2/ao; ao ương tôm rảo giống vùng nước lợ nhạt 250 m2/ao. Đối với ao nuôi thương phẩm, ao nuôi tôm rảo vùng nước lợ mặn 3.070 m2/ao; Ao nuôi tôm rảo vùng nước lợ vừa 3.120 m2/ao; Ao nuôi tôm rảo vùng nước lợ nhạt 2.920 m2/ao. Mật độ ương tôm giống: 1.000 - 1.300 con/m2 (cỡ giống P12 - P15). Mật độ nuôi tôm thương phẩm là 60 - 73 con/m2 (cỡ giống 1,5 - 2cm). Thời gian ương tôm giống từ 25 -30 ngày. Thời gian nuôi tôm thương phẩm từ 80 - 90 ngày, tỷ lệ sống đạt 58 - 62%, năng suất đạt 2,59 - 3,51 tấn/ha. Lợi nhuận biên (lợi nhuận/doanh thu) ở các mô hình đạt từ 45,1 - 53,18%. Giá thành sản phẩm từ 131.000 -160.000 đồng/kg, lợi nhuận ròng đạt từ 204 - 455 triệu đồng/ha.
Mô hình nuôi tôm rảo thâm canh được hoàn thiện đề xuất với quy mô ao ương 250 - 300 m2/ao, ao nuôi thương phẩm 0,3 ha/ao, năng suất đạt > 2,5 tấn ha.
Từ những kết quả đạt được có thể thấy, mô hình nuôi tôm rảo thâm canh tại Hải Phòng đã được nghiên cứu, hoàn thiện. Tôm rảo có thể nuôi được ở các vùng sinh thái khác nhau: Lợ mặn, lợ vừa và lợ nhạt. Nuôi tôm rảo đã mang lại hiệu quả kinh tế, đa dạng được đối tượng nuôi trồng tạo công việc làm, thu nhập cho người nuôi. Mặc dù nuôi tôm rảo mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi tôm sú nhưng tại Hải Phòng, tôm rảo có thể sử dụng những ao nuôi tôm thẻ, tôm sú để nuôi vụ Thu - Đông. Việc tận dụng được diện tích mặt nước ở những vùng ruộng trũng có chủ trương chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản để nuôi tôm rảo sẽ cho hiệu quả cao hơn những đối tượng cá truyền thống.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố năm 2022 (06/10/2022)
- Danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố năm 2021... (10/05/2021)
- Danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố năm 2019... (29/07/2019)
- Danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố năm 2018... (26/03/2018)
- Danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố năm 2017... (19/12/2016)