Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11309
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm (21/08/2023)

Phương pháp nội soi mềm kết hợp với phương pháp lấy sỏi như dùng rọ, tán laser, tán thuỷ lực,… trong điều trị sỏi đường mật được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy…Tại khoa  Phẫu thuật Tiêu hoá (Bệnh viện Việt Tiệp), nội soi tán sỏi đường mật trong mổ được triển khai lần đầu vào tháng 5/2019 và thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, để triển khai kỹ thuật một cách có hệ thống và hiệu quả, cần có một nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật phù hợp với điều kiện tại Bệnh viện nhằm phát triển mạnh kỹ thuật này trong thời gian tới, giúp tăng chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thương, Phó Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật tiêu hoá làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm tại  Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp”. Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá nghiệm thu vào chiều 17/8/2023. PGS.TS Phạm Văn Duyệt là Chủ tịch Hội đồng.

Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả trước Hội đồng.

Bên cạnh việc nghiên cứu lý thuyết tổng quan về phẫu thuật lấy sỏi đường mật, đề tài còn tập trung vào những nội dung chính sau: Thực tiễn áp dụng các kỹ thuật lấy sỏi đường mật tại các bệnh viện tại Hải Phòng hiện nay; Nghiên cứu xây dựng và đề xuất quy trình phẫu thuật lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm, thực nghiệm quy trình, đánh giá kết quả điều trị bằng quy trình và hoàn thiện quy trình. Toàn bộ các bước nghiên cứu, đề xuất, thực nghiệm và đánh giá đều được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Trong đó, Ban chủ nhiệm đề tài tập trung vào nghiên cứu đánh giá thực nghiệm quy trình với 44 bệnh nhân có  độ tuổi trung bình là 65,5±13,7, nhóm tuổi ≥ 60 chiếm 59,1%.  Tỷ lệ bệnh nhận nam là 54,5%, nữ là 45,5%.  17 bệnh nhân (38,6%) có tiền sử phẫu thuật điều trị sỏi mật, trong đó chủ yếu là lấy sỏi đường mật, dẫn lưu Kehr, 02 bệnh nhân mổ trên 3 lần. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là đau bụng hạ sườn phải (100%), sốt (73,3%), vàng da (56,7%), 53,3% bệnh nhân có tam chứng Charcot điển hình. Đa số bệnh nhân có xét nghiệm bạch cầu, Bilirubin toàn phần trong máu và men gan (AST, ALT) tăng, phản ánh tình trạng viêm đường mật và tắc đường mật. Trên chẩn đoán hình ảnh, 38,6 % bệnh nhân có sỏi OMC đơn thuần và 61,4% có sỏi đường mật trên gan phối hợp, đường kính OMC giãn trung bình là 16,5±5,5 mm; 27,3% có sỏi túi mật phối hợp, 4,5 % có hẹp đường mật, 4,5% có áp xe đường mật, 2,3% có hẹp đoạn thấp OMC.

Kết quả thực nghiệm quy trình phẫu thuật mổ lấy sỏi đường mật kết hợp nội soi ống mềm tán sỏi cho 44 bệnh nhân cho thấy, 19 trường hợp phải gỡ dính mổ (43,2%), trong đó 100% các trường hợp có tiền sử mổ sỏi mật đều phải phẫu thuật gỡ dính. Tất cả bệnh nhân đều được mỏ OMC lấy sỏi đường mật tối đa bằng Mirizzi trước khi nội soi đường mật. Tỷ lệ sạch sỏi quan sát là 86,4%, 13,6% sót sỏi chủ yếu do hẹp và gập góc đường mật. Về kết quả trong lúc mổ, thời gian phẫu thuật trung bình là 125,5±23,8 phút. Có 2 trường hợp tai biến chảy máu đường mật, được cầm máu bằng nước muối ấm mà không cần dừng cuộc mổ. Về điều trị sau mổ, 100% bệnh nhân đều dùng kháng sinh tĩnh mạch theo kinh nghiệm trên 7 ngày, tất cả các trường hợp đều đáp ứng tốt với thuốc giảm đau. Thời gian nằm viện sau mổ trung bình là 14,7± 3,1 ngày. Đánh giá kết quả sớm: Nghiên cứu cho thấy đa số bệnh nhân sau mổ mở kết hợp nội soi đường mật tán sỏi điện thuỷ lực có kết quả tốt chiếm 86,4%, bệnh nhân hết đau, hết sốt, không biến chứng sau mổ, không sót sỏi. Có 5 bệnh nhân (11,4 %) sót sỏi và biến chứng nhẹ sau mổ. Một bệnh nhân (2,2%) có kết quả kết quả kém (bệnh nhân có tổn thương ác tỉnh ở đường mật).

Theo Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, bên cạnh những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung: Bổ sung một số quy trình đã được ứng dụng trên thế giới và tại Việt Nam, tình hình dịch tễ và các bệnh lý sỏi mật ở Hải Phòng; Cần tập trung vào phân tích phương pháp điều trị sỏi mật; Bổ sung thêm phần chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật; Cần trình bày cụ thể, chi tiết hơn về quy trình phẫu thuật lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp; Bổ sung quy trình kỹ thuật được tham khảo trong nghiên cứu trước đó và làm rõ những phần nhóm nghiên cứu bổ sung, làm mới để phù hợp với điều kiện thực tiễn xây dựng quy trình; Cần nêu rõ các tiêu chuẩn nào là ổn định để chỉ định phẫu thuật được; Phần kết quả, bàn luận cần thống nhất theo các tiêu chí nghiên cứu đã đề ra; Các hình ảnh, tài liệu tham khảo cần ghi rõ nguồn trích dẫn; Bổ sung thêm sơ đồ nghiên cứu quy trình; Cuối cùng cần rà soát, chỉnh sửa danh mục viết tắt, lỗi chế bản để hoàn thiện báo cáo…

Quang cảnh Hội đồng Hội nghị tư vấn, đánh giá nghiệm thu.

Báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện sẽ được Sở KH&CN trình Ủy ban nhân dân thành phố để nghiệm thu. Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu xếp loại xuất sắc với số điểm 93,71 điểm ./.