Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1240
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Nhà khoa học Nhật Bản giành giải Nobel y học cho nghiên cứu về cơ chế tế bào “tự thực” (05/10/2016)

GS. Yoshinori Ohsumi, nhà khoa học Nhật Bản, đã giành giải thưởng Nobel y học năm 2016 trị giá 933.000 USD cho các thí nghiệm mang tính đột phá, sử dụng nấm men để phát hiện ra cơ chế then chốt trong việc bảo vệ cơ thể, theo đó các tế bào tự phân hủy và tái sinh các thành phần của chúng. 

Theo Ủy ban giải thưởng, việc tìm hiểu quá trình được gọi là "tự thực” (autophagy) hoặc "tự ăn" giúp hiểu rõ hơn các căn bệnh như ung thư, Parkinson và bệnh tiểu đường tuýp 2. Khám phá của ông Ohsumi đã dẫn đến một mô hình mới trong hiểu biết của chúng ta về cách các tế bào tái sinh.

Công trình nghiên cứu của GS. Ohsumi đã được thực hiện vào những năm 1990 và được cho là "sự thay đổi mô hình" và mang tính "tiên phong", bao gồm việc định vị các gen điều tiết quá trình “tự thực”. Đây là vấn đề quan trọng đối với ngành y vì nó giúp giải thích tại sao các lỗi trong những gen này có thể góp phần gây ra rất nhiều căn bệnh.

David Rubinsztein, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học thuộc trường Đại học Cambridge cho rằng: GS. Ohsumi đã cung cấp cho các nhà khoa học trên toàn thế giới những "công cụ quan trọng" để tìm hiểu cách quá trình “tự thực” bị gián đoạn có thể góp phần gây ra các bệnh bệnh truyền nhiễm, ung thư và các căn bệnh thoái hóa thần kinh như Huntington và Parkinson.

Chia sẻ với Reuters, GS. Chister Hoog tại Viện Karolinska, Thụy Điển cho rằng nghiên cứu đã giúp giải thích quá trình quan trọng trong sự phát triển của con người từ khi lớn lên cho đến lão hóa và chết vì bệnh tật. GS. Chister nói: "Trong những giai đoạn sớm (của sự phát triển con người), các bộ phận và toàn bộ cơ thể của bạn liên tục được tái tạo, nghĩa là bạn đang phát triển. Vì vậy, bạn cần phải loại bỏ yếu tố cũ và tạo ra các cấu trúc mới. Khi bạn trải qua quá trình lão hóa, bạn có các cấu trúc cần được loại bỏ và quá trình “tự thực” là nguyên tắc để loại bỏ chúng. Nếu bạn tác động đến hệ thống này, gồm các gen và protein liên quan đến quá trình “tự thực”, bạn có thể không phải quan tâm đến chất thải này. Khi chất thải được tích tụ, bạn sẽ mắc một số loại bệnh".

GS. Ohsumi, sinh năm 1945 tại Fukuoka, Nhật Bản và là Giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo kể từ năm 2009. Theo hãng Kyodo News, GS. Ohsumi "vô cùng vinh dự" vì nhận được giải thưởng này.

Nguồn: www.vista.gov.vn