Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5770
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Nọc của ong bắp cày có thể tiêu diệt các tế bào ung thư (30/09/2015)

Để chống lại kẻ thù, ong bắp cày Polybia paulista tiết ra chất độc được biết có chứa một thành phần chống ung thư rất mạnh. Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Biophysical Journal tiết lộ chính xác cách độc tố của ong bắp cày, được gọi là MP1 (Polybia-MP1), tiêu diệt một cách chọn lọc các tế bào ung thư mà không làm tổn hại đến các tế bào bình thường. MP1 tương tác với lipit được phân bổ một cách bất thường trên bề mặt của các tế bào ung thư, tạo ra các lỗ hổng cho phép các phân tử quan trọng đối với chức năng của tế bào thoát ra ngoài.

 

“Liệu pháp điều trị ung thư tấn công thành phần lipit của màng tế bào sẽ là một loại thuốc điều trị ung thư hoàn toàn mới”, Paul Beales, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Leeds (Anh) cho biết. “Điều này có thể hữu ích trong việc phát triển các liệu pháp kết hợp mới, trong đó nhiều loại thuốc được sử dụng đồng thời để điều trị ung thư bằng cách tấn công cùng một lúc các phần khác nhau của các tế bào ung thư”.

MP1 có tác dụng chống lại vi khuẩn gây bệnh bằng cách phá vỡ màng tế bào vi khuẩn. Một cách tình cờ, peptit kháng khuẩn này có khả năng bảo vệ con người chống lại ung thư; nó có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang, cũng như các tế bào bạch cầu kháng đa thuốc. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ làm thế nào MP1 phá hủy có chọn lọc các tế bào ung thư mà không làm tổn thương đến các tế bào bình thường.

Beales và đồng tác giả nghiên cứu João Ruggiero Neto của Đại học Sao Paulo (Brazil) cho rằng, nguyên nhân có thể là do màng tế bào ung thư có các tính chất độc đáo. Trong màng tế bào khỏe mạnh, phosphatidylserine (PS) và phosphatidylethanolamine (PE) nằm trong lớp màng bên trong tiếp xúc với phần bên trong của tế bào. Nhưng trong các tế bào ung thư, PS và PE lại nằm ở lớp màng bên ngoài, tiếp xúc với môi trường xung quanh tế bào.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra giả thuyết của họ bằng cách tạo ra các màng mô hình, một số chứa PE và/hoặc PS và cho chúng tiếp xúc với MP1. Họ sử dụng các kỹ thuật chụp ảnh và lý sinh để xác định các tác động phá vỡ màng của MP1. Đáng chú ý là sự hiện diện của PS làm tăng sự gắn kết của MP1 vào màng từ 7 đến 8 lần. Mặt khác, sự hiện diện của PE làm tăng khả năng phá vỡ màng tế bào của MP1, tăng kích thước của lỗ hổng lên từ 20 đến 30 lần. “Mặc dù chỉ hình thành trong vài giây nhưng những lỗ hổng này đủ lớn để cho phép các phân tử quan trọng như ARN và protein dễ dàng thoát ra khỏi tế bào”, Neto nói. “Việc peptit này làm tăng đáng kể tính thấm khi có sự hiện diện của PE và kích thước của các lỗ hổng trên màng là rất đáng ngạc nhiên”.

Trong các nghiên cứu trong tương lai, các nhà nghiên cứu dự định thay đổi trình tự amino axit của MP1 để kiểm tra xem cấu trúc của peptit này liên quan đến chức năng của nó như thế nào và nâng cao hơn nữa tính chọn lọc và tiềm năng cho các mục đích lâm sàng. “Hiểu biết về cơ chế hoạt động của MP1 sẽ giúp các nghiên cứu tịnh tiến tiếp tục đánh giá tiềm năng của peptit này để sử dụng trong y học”, Beales nói. “Vì MP1 đã được chứng minh là phá hủy có chọn lọc các tế bào ung thư và không làm hại các tế bào bình thường trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên cần có thêm nghiên cứu để chứng minh khả năng an toàn của peptit này”.

Nguồn: Vista.gov.vn