Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 9703
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nuôi thương phẩm gà ML-VCN và vịt M14 phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Hải Phòng (02/07/2019)

Gà ML-VCN và vịt M14 đang là đối tượng gia cầm nuôi chủ yếu của bà con nông hộ do có nhiều ưu điểm vượt trội đã được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Để bà con nông dân địa bàn các xã Minh Tân, Tân Phong, Đại Đồng, Ngũ Đoan, Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) nắm vững kỹ thuật nuôi và chăm sóc các giống gia cầm trên, ngày 26/6/2019, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lớp tập huấn Quy trình sản xuất và nuôi thương phẩm gà ML-VCN, vịt M14 phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Minh Tân.

 

Giống gà ML-VCN là tổ hợp gà lông màu kiêm dụng được lai tạo từ gà Mía trống thuần chủng với gà Lương Phượng mái thuần chủng. Gà ML-VCN nhanh nhẹn, ưa hoạt động, có khả năng tự tìm kiếm thức ăn, phù hợp với phương thức nuôi bán chăn thả và chăn thả. Gà lớn nhanh, có thể đạt trọng lượng cơ thể 1,8-1,9kg sau 13 tuần nuôi, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, tỷ lệ nuôi sống đạt 95-96,7%.

M14 là giống vịt chuyên thịt, có nguồn gốc từ Cộng hòa Pháp, được nhập về Việt Nam. Vịt có màu lông trắng tuyền, mỏ vàng nhạt đến vàng thẫm, chân và da vàng, thân hình vạm vỡ. Vịt thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của Việt Nam, tỷ lệ nuôi sống đạt 97,97%, sức kháng bệnh tốt, năng suất trứng đạt 202-206 quả/mái/67 tuần tuổi, chất lượng trứng tốt. Vịt nuôi thương phẩm khối lượng đạt 3.144g/con/8 tuần tuổi cho chất lượng thịt tốt và tiêu tốn lượng thức ăn thấp.

 

PGS.TS Bùi Hữu Đoàn - Giảng viên chính lớp tập huấn.

 

Tại lớp tập huấn PGS.TS Bùi Hữu Đoàn - Giảng viên Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hướng dẫn bà con nhiều kỹ thuật để nuôi thương phẩm gà ML-VCN và vịt M14 đạt hiệu quả từ việc xác định đúng phương thức và quy mô nuôi, chuồng trại - cơ sở vật chất, chế biến thức ăn, phòng bệnh… Bà con nông hộ nên chọn mua con giống từ các cơ sở uy tín, nắm rõ thông tin xuất xứ, ngày giờ ấp nở. Tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc ngoài thị trường. Đối với nuôi gà, nhất thiết phải nuôi gà nhỏ theo chế độ riêng, gọi là úm gà. Khi úm gà, phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp từ 29 đến 35 độ C, tuỳ độ tuổi. Công tác phòng dịch bệnh trong chăn nuôi cần được coi trọng với phương châm “phòng hơn chữa” vì khi dịch bệnh xảy ra, sẽ gây khó khăn trong việc xử lý và ảnh hưởng lớn về kinh tế, môi trường... Các hộ nuôi cần nghiêm túc thực hiện việc tiêm phòng các loại vắc-xin để vật nuôi khoẻ mạnh, ít bệnh và nắm vững kỹ thuật nuôi, chăm sóc và quản lý dịch bệnh.

 

Hình ảnh trang trại nuôi gà tại phường Đa Phúc, huyện Kiến Thụy.

 

Để nuôi thương phẩm có lãi, bà con cũng cần chủ động tự chế biến nguồn thức ăn, nhất là chăn nuôi quy mô lớn và chú trọng công tác vệ sinh tiêu độc trong chăn nuôi, đặc biệt với mô hình công nghiệp. Không nuôi nhiều loại, lứa tuổi gia cầm gần nhau vì dễ lây lan dịch bệnh. Nên cùng nhập, cùng xuất trong cùng một khu chăn nuôi. Nguồn nước uống, nước vệ sinh chuồng trại phải luôn sạch.

 

Trường Xuân