Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7494
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Ô nhiễm không khí có thể gây tổn thương thận (01/10/2017)

Thực trạng ô nhiễm không khí ngoài trời từ trước đến nay là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, gia tăng tỷ lệ mắc các chứng bệnh như: bệnh tim, đột quỵ, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay thậm chí là bệnh ung thư. Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Y thuộc Đại học Washington ở St. Louis và Hệ thống Chăm sóc Y tế St. Louis (St Louis Health Department System) mới đây đã khẳng định: ngoài các bệnh lý kể trên, ô nhiễm không khí ngoài trời còn có thể tác động trực tiếp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính, và cuối cùng dẫn đến suy thận. Nghiên cứu được công bố vào ngày 21/9/2017 trên tạp chí Journal of American Society of Nephrology.

Nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Washington đã phối hợp với các nhà khoa học thuộc Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng của Cơ quan Cựu chiến binh (VA) để chọn lọc các cơ sở dữ liệu quốc gia để đánh giá tác động của ô nhiễm không khí đối với nguy cơ mắc bệnh thận của 2,5 triệu bệnh nhân trong vòng 8,5 năm bắt đầu kể từ năm 2004. Các nhà khoa học thực hiện so sánh dữ liệu của VA về ảnh hưởng của chất lượng không khí đến chức năng của thận do Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) và Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia (NASA) thu thập.

Những dữ liệu được EPA thu thập từ các trạm quan trắc không lưu trên đất liền trên toàn nước Mỹ. Kết quả cho thấy có thêm 44.793 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thận và 2.438 trường hợp bị suy thận nghi do bị ảnh hưởng của mức độ ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng 12 microgam/mét khối không khí - đây là mức ô nhiễm không khí được coi là an toàn tối đa được xác định bởi Đạo luật về Không khí sạch vào năm 1990 và được cập nhật bổ sung vào năm 2012.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, tác giả cao cấp của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư y khoa của Đại học Washington cho biết: "Dữ liệu cơ sở về mối liên quan giữa vấn đề ô nhiễm không khí với ảnh hưởng của nó với bệnh thận ở người vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của chúng tôi chứng minh rằng ảnh hưởng của thực trạng ô nhiễm không khí đối với sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh thận là hết sức rõ ràng".

Những hạt bụi nhỏ trong không khí có khả năng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người, gây tổn thương thận cũng như các cơ quan khác như tim và phổi. Các hạt bụi, khói, bồ hóng và chất lỏng trong không khí bị ô nhiễm bình thường không thể quan sát được nhưng chúng sẽ trở nên nguy hiểm khi xâm nhập vào máu. Do thận có nhiệm vụ lọc máu nên các loại vi hạt có hại này có thể phá vỡ, gây tổn thương chức năng thận.

TS. Al-Aly, giám đốc dịch tễ học lâm sàng của bệnh viện St. Louis cho biết: “Mức độ ô nhiễm ở mức nào, dù là nhỏ nhất cũng có thể gây tổn thương thận. Và những tổn thương sẽ ngày càng nghiêm trọng khi mức độ ô nhiễm tăng lên. Tuy nhiên, không có mức độ cụ thể nào được coi là an toàn tuyệt đối. Thậm chí ngay cả khi nồng độ các vật chất dạng hạt ở mức tương đối thấp, dưới ngưỡng EPA thì nó vẫn ảnh hưởng đến thận".

Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành so sánh dữ liệu của VA với dữ liệu thu được từ cảm biến không gian của các vệ tinh NASA. "Kết quả là dữ liệu của NASA và dữ liệu EPA là hoàn toàn giống nhau", Al-Aly cho biết. 

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh điểm thú vị nằm ở chỗ: "mặc dù hai EPA và NASA áp dụng thực hiện hai kỹ thuật riêng biệt nhưng dữ liệu thu thập cho kết quả hoàn toàn tương đồng. Những phát hiện này cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với không khí bị ô nhiễm là một yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến sự phát triển và tiến triển của bệnh thận".

Theo kết quả nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh suy thận cao do ô nhiễm không khí ở Nam California và các khu vực địa lý rộng lớn ở Nam, Trung Tây và Đông Bắc Hoa Kỳ là cao nhất. Nhiều năm qua, ở Hoa Kỳ, mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời ở mức nguy hiểm đã giảm. Theo một nghiên cứu năm 2016 của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, hơn một nửa dân số Hoa Kỳ sống ở các khu vực từ các thành phố công nghiệp lớn đến các khu vực canh tác nông nghiệp hay thị trấn, thành phố khai thác than, mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời ở mức đáng báo động. Ở nhiều nơi bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, thực trạng ô nhiễm không khí ngoài trời tồi tệ hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ. 

Al-Aly chia sẻ: "Trong các phân tích của chúng tôi, nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính và mức độ tiến triển của bệnh được ghi nhận khi nồng độ các loại vi hạt độc hại ở mức độ cao nhất. Do đó, chúng tôi nhận thấy rằng việc thực hiện những nghiên cứu sâu rộng hơn là hoàn toàn cần thiết để dựa vào đó, đánh giá toàn diện hơn về nguy cơ mắc bệnh thận do ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn cầu".

Nguồn: NASATI