Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5797
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Phát hiện một dòng cá Chép mới trong loài Cyprinus carpio dựa trên dữ liệu phân tích di truyền phân tử (14/07/2020)

Trong khuôn khổ Nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với Quỹ Nghiên cứu cơ bản Liên bang Nga, các nhà khoa học đã phát hiện một dòng cá Chép mới trong loài Cyprinus carpio dựa trên dữ liệu phân tích di truyền phân tử.

Nhiệm vụ do PGS.TS. Nguyễn Văn Quân - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển và TS. Sergey Rastorguev, Viện Kurchatov (Mát-xcơ-va) đồng chủ nhiệm, được công bố trên Tạp chí chuyên ngành Q1 Sinh thái và Tiến hóa (Ecology and Evolution), ngày 27 tháng 04 năm 2020 (chi tiết tại link: http://dx.doi.org/10.1002/ece3.6286 ).

Cá chép (Cyprinus carpio) đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế trong ngành nuôi trồng thủy sản do khả năng thích nghi cao với môi trường và nguồn thức ăn.

Theo lịch sử thuần dưỡng, Cyprinus carpio là loài cá đầu tiên được thuần hóa ở Trung Quốc từ thời cổ đại. Cho tới nay, đã có nhiều dòng cá chép được thuần hóa trên thế giới. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc của cá chép (Cyprinus carpio) hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong khoa học.

Trong nghiên cứu này, 68 mẫu cá chép Châu Âu thuộc 9 dòng đã được thuần hóa và 4 quần thể cá tự nhiên khác nhau được lập bản đồ di truyền với kỹ thuật mới ddRADseq. Kết quả đã cho thấy các dòng cá thuần hóa được chia thành hai nhóm riêng biệt. Trong đó, nhóm 1 gồm các dòng cá chép ở trung tâm Châu Âu và nhóm 2 gồm các dòng cá chép có nguồn gốc từ phía Bắc thuộc Liên Xô cũ, có tính chịu lạnh. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, việc lai dòng cá chép đã thuần hóa với cá chép Amur tự nhiên (C. carpio haematopterus) và sự chọn lọc qua các thế hệ con lai theo hướng thích ứng với điều kiện môi trường bất lợi đã hình thành nên nhóm thứ hai.

Kết quả nghiên cứu cung cấp thêm sự hiểu biết về lịch sử biến đổi di truyền của cá chép Cyprinus carpio hiện nay từ quần thể cá chép tự nhiên và nhân tạo, trong đó có sự pha trộn giữa nguồn gen cá tự nhiên với cá đã được thuần hóa.

Đặc biệt, trong nghiên cứu này các nhà khoa học đã dùng các chỉ thị phân tử truy xuất được nguồn gốc các dòng cá chép của Nga hiện nay mà không cần dựa vào bất kỳ một dữ liệu lịch sử nào như bản đồ nhân giống hoặc lịch sử lai tạo.

Kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học quan trọng cho việc áp dụng phương pháp sinh học phân tử như SNP, ddRADseq trong việc đánh giá di truyền các giống vật nuôi trồng, ứng dụng trong lai tạo giống và bảo tồn, đồng thời cung cấp dữ liệu nền nhằm đánh giá tác động về mặt di truyền của dòng cá chép Việt Nam lên dòng cá chép Châu Âu sẽ được sớm công bố trong thời gian tới đây.

Nguyễn Hoa Phong

Tài liệu tham khảo: Viện Tài nguyên và Môi trường biển