Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 214
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Phát hiện nước ở hành tinh cách Trái Đất 40 năm ánh sáng (13/04/2023)

Các nhà khoa học phát hiện ngoại hành tinh VHS 1256 b có bão bụi xoay tròn trên bề mặt, chứa khí methane, carbon dioxide và nước.

Mô phỏng hình dáng của hành tinh VHS 1256 b. Ảnh: ESA

VHS 1256 b, hành tinh quay quanh hai ngôi sao cách Trái Đất khoảng 378,5 nghìn tỷ km theo hướng chòm sao Corvus, được phân tích bởi nhóm nhà thiên văn học đứng đầu là Brittany Miles ở Đại học Arizona, sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb của NASA. Các nhà nghiên cứu phát hiện những cơn bão bụi cực lớn hình thành từ đám mây silicate cuộn xoáy trên bề mặt hành tinh khí, cùng với nước, methane, carbon monoxide (CO), và carbon dioxide (CO2). Họ mô tả phát hiện trong bài báo sắp công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters, Newsweek hôm 24/3 đưa tin.

Theo NASA, đây là số lượng phân tử lớn nhất xác định cùng lúc trên một hành tinh ở ngoài hệ Mặt Trời. Hành tinh VHS 1256 b được phát hiện lần đầu tiên năm 2015 bởi kính viễn vọng Vista ở Chile. Đây là hành tinh khí khổng lồ lớn gấp khoảng 12 - 18 lần kích thước sao Mộc. Một ngày trên hành tinh này dài 22 giờ. Các đám mây silicate (hợp chất của silicon và oxy) ở hành tinh nhô lên và hòa lẫn trong ngày khi nhiệt độ tăng và giảm, nóng tới 816 độ C.

Những hạt silicate mịn hơn trong khí quyển của VHS 1256 b có thể giống hạt khói mù nhỏ, theo Beth Biller, đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học Edinburgh, Scotland. Hạt lớn hơn có thể giống hạt cát nhỏ rất nóng. VHS 1256 b mất khoảng 10.000 năm để quay quanh quỹ đạo của hai ngôi sao chủ. Hành tinh tương đối trẻ, mới chỉ hình thành cách đây 150 triệu năm. So với nó, Trái Đất và sao Mộc ra đời lần lượt 4,5 và 4,6 tỷ năm trước.

Đây không phải lần đầu tiên giới nghiên cứu phát hiện nước trong khí quyển của ngoại hành tinh. Nhiều hành tinh khác cũng có hơi nước trong thành phần cấu tạo hóa học, một số tồn tại trong vùng ở được của hệ sao. Trên thực tế, hơn 1/4 số ngoại hành tinh đã biết có nước lỏng trên bề mặt. Cấu tạo hóa học của hành tinh ở cách hàng triệu km có thể đo được khi chúng bay qua phía trước sao chủ. Bước sóng ánh sáng chiếu qua khí quyển của chúng sẽ cung cấp cho các nhà thiên văn học manh mối về hợp chất trong không khí.

Tuy nhiên, do khoảng cách giữa VHS 1256 b và sao chủ, gấp 4 lần quãng đường giữa sao Diêm Vương và Mặt Trời, các nhà khoa học có thể quan sát trực tiếp hành tinh. Kính viễn vọng không gian James Webb giúp nhóm nghiên cứu khám phá chi tiết hơn hẳn khi phân tích chất hóa học trong khí quyển của hành tinh ở cách nhiều năm ánh sáng. Dù có nước, CO2 và methane trong khí quyển, điều đó không có nghĩa là hành tinh có sự sống. Đặc biệt, VHS 1256 b không phải hành tinh thích hợp cho sự sống bởi nó giống sao Mộc hơn là Trái Đất./.

An Khang (Theo Newsweek)

Ngày cập nhật: 24/3/2023

https://vnexpress.net/phat-hien-nuoc-o-hanh-tinh-cach-trai-dat-40-nam-anh-sang-4584963.html