Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 57284
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Phê duyệt Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà (23/11/2022)

Đề án được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3876/QĐ-UBND ngày 18/11/2022. Mục tiêu đến năm 2025 tổ chức được 117 bè nuôi với 2.112 ô lồng và 42 giàn nuôi nhuyễn thể, sản lượng đạt 700 tấn cá các loại và 500 tấn nhuyễn thể; giá trị sản xuất đạt khoảng 130 tỷ đồng/năm; hình thành tối thiểu 01-02 điểm du lịch cộng đồng với mô hình tổ chức nuôi thủy sản lồng bè liên kết tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch phù hợp; các lồng bè nuôi cá được cấp phép, đăng ký theo quy định, có thiết bị thu gom và xử lý rác thải theo quy định; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 300 lao động tại chỗ; 100% lao động được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản; hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất: điện, nước, phao tiêu, cột mốc phân luồng cho các vùng nuôi trồng thủy sản.

 

 

Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Đến năm 2030, giá trị sản xuất đạt khoảng 160 tỷ đồng/năm; 100% số bè nuôi áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định; xây dựng, vận hành được các mô hình liên kết giữa nuôi trồng thủy sản với du lịch hiệu quả, bền vững; 100% rác thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản được thu gom, xử lý. Theo đó, các nội dung và nhiệm vụ của Đề án gồm: sắp xếp, bố trí lồng bè tại các khu vực Hang Vẹm - Vụng O, khu vực Thoi Quýt - Gia Luận, khu vực Ghẹ Gầm - Gia Luận; đề xuất xây dựng hệ thống hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản (hệ thống cấp điện, cấp nước, lắp đặt hệ thống phao định vị, báo hiệu); lựa chọn đối tượng tham gia nuôi trồng thủy sản; xây dựng và ban hành quy chế quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản theo khu vực; xây dựng các hình thức hợp tác, mô hình liên kết giữa nuôi trồng thủy sản với du lịch và bảo tồn di sản; xây dựng quy chế thu gom, xử lý rác thải.

Đề án cũng đề ra 07 giải pháp thực hiện: thiết kế hệ thống lồng bè đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường; tổ chức sản xuất gắn với phát triển du lịch; khoa học công nghệ và khuyến ngư; bảo vệ tài nguyên và bảo tồn môi trường biển; cơ chế, chính sách; quản lý nhà nước đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch và truyền thông, đào tạo, tập huấn. Trong đó, giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến ngư tập trung vào các nội dung: tuyên truyền phổ biến, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường; sử dụng các vật liệu làm lồng bè thân thiện môi trường, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được công bố hợp chuẩn, hợp quy theo quy định pháp luật; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch…

Thảo Vy