Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 30110
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Phòng, trị bệnh giun chỉ ở vịt (12/09/2018)

             1. Nguyên nhân

Bệnh do ký sinh trùng Avioserpen Taiwana gây ra. Đây là một loại ký sinh trùng khu trú dưới da cổ, hầu, đùi… của vịt tạo thành các khối u. Hình dạng của chúng giống như những sợi chỉ nhỏ dài khoảng 1,2 - 8cm, đằng trước và đằng sau thu nhỏ. Giun chỉ ký sinh trong mô dưới da, tập trung ở vùng dưới hai hàm dưới và gây viêm, tạo thành các tổ chức với các mô xung quanh thành thực quản và dày lên như một khối u.

2. Đặc điểm dịch tễ

Lứa tuổi: Vịt có thể mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường xuất hiện ở vịt đẻ 3 - 8 tuần tuổi. Tỷ lệ vịt nhiễm ở độ tuổi này có khi chiếm 60 - 80%.

Mùa vụ: Bệnh thường gặp vào mùa hè ở những vùng có nhiệt độ nóng bức. Đây là một căn bệnh dễ gặp khiến vịt chậm lớn, còi cọc do mất chất dinh dưỡng.

3. Phương thức lây truyền

Bệnh chủ yếu qua đường ăn uống, chúng ăn các loài giáp xác mà trong cơ thể giáp xác đã có chứa ấu trùng trứng giun chỉ. Khi vào đến ruột, ấu trùng được giải phóng và di hành về vùng cổ, hầu, hàm dưới, ống chân và một số nơi khác của cơ thể để làm tổ và ký sinh. Tại đó, chúng phát triển thành giun trưởng thành tạo ra các bướu, cục mà mắt thường có thể trông thấy.

4. Triệu chứng

Khi mới phát bệnh vịt có triệu chứng uể oải, chậm chạp và có những biểu hiện phù nề vùng đầu, sưng vùng trán, mắt; sau đó lan dần tới cổ, các bộ phận dưới da, hàm dưới chỗ cuống lưỡi. Sau đó trên da thấy có nhiều cục u nổi lên, chúng to dần tạo thành bướu, lúc đầu các u bướu xuất hiện đầu tiên ở hàm dưới, cổ, tiếp theo là ở hốc mắt, ống chân và một số vị trí khác trên cơ thể.

5. Trị bệnh

Cần theo dõi và phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Phương pháp chữa trị bệnh thông thường được sử dụng và cho hiệu quả cao là tiêm vào ổ ký sinh trùng. Dùng dung dịch thuốc tím 0,5%, dung dịch Iodine 1% hoặc dung dịch Natri chloride (NaCl) 5%, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Một cách khác để điều trị bệnh là dùng các loại thuốc tẩy giun tròn thông thường khác như Mebendzol 10%, liều lượng 1 g thuốc dùng cho 2 kg trọng lượng. Levamysol 7,5% tiêm dưới da với liều 1 ml/2 kg trọng lượng. Chích xung quanh túi giun hoặc tiêm thẳng vào ổ ký sinh trùng 1 - 2 ml/con.

6. Phòng bệnh

Chủ động quan sát vịt dưới 2 tháng tuổi để kịp thời phát hiệu u bướu, có biện pháp điều trị thích hợp. Tránh không chăn thả vịt ở những nơi có nguồn nước bẩn (cống rãnh, ao tù đọng…), nơi có nhiều giáp xác.

Cho vịt ăn thức ăn chất lượng tốt, đảm bảo không thiu mốc, không chứa độc tố. Không dùng nước ao hồ, sông ngòi hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao cho vịt uống.

Sau mỗi lứa vịt phải dọn vệ sinh chuồng nuôi, cọ rửa sạch sẽ, để khô ráo, sau đó tẩy uế, phun thuốc sát trùng và để trống chuồng 5 - 7 ngày rồi nuôi đợt mới. Nên bố trí nơi cho vịt ăn, uống ở ngoài chuồng để giữ chuồng khô sạch.

Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Hanamid, HanIod, Formalin...).    

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi