Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 12377
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Phòng trị bệnh tích nước xoang bụng trên gà (11/07/2018)

          Bệnh thường xuất hiện trong các giai đoạn 3 - 6 tuần tuổi hoặc thời kỳ gà đẻ, với các triệu chứng điển hình như: tích nước xoang bụng, viêm dính phúc mạc, cơ bụng biến màu thành màu xanh thâm đen.

1. Nguyên nhân                                                                               

- Với mục đích thúc đẩy gà lớn nhanh và béo, các hộ nuôi đã sử dụng khẩu phần ăn có chứa  hàm lượng đạm (protein) và chất béo (acid béo) cao, có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là các loại dầu và khô dầu. Nhưng lại thiếu hụt và mất cân bằng các acid amin thiết yếu, các nguyên tố vi lượng và nhiều loại vitamin dẫn đến sự dư thừa axit béo khiến cho cơ thể bị nhiễm độc. Quá trình này diễn ra trong thời gian khá dài, nếu chúng ta không tìm cách cân đối lại thành phần, chất lượng thức ăn thì dẫn đến hiện tượng trên.

- Sự nhiễm độc do axit béo dư thừa là nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng, phá hủy cấu trúc và chức năng gan, thận làm cơ thể bị suy nhược dần. Khi đó gà rất dễ bị bội nhiễm E.coli, Salmonella gây rối loạn hô hấp, rối loạn tiêu hóa và dẫn đến gà chết. Nói cách khác, nguyên nhân cơ bản gây nên hiện tượng bệnh lý này là do thừa axit béo gây nhiễm độc và sau đó là sự kế phát gây bệnh của E.coli và Salmonella, cũng như của một số vi khuẩn và nấm mốc khác.

2. Triệu chứng                                                                                

- Trong đàn xuất hiện một số con có dấu hiệu bụng sệ, căng phồng khiến gà khó di chuyển, lười vận động. Vùng da bụng gần hậu môn thâm tím, hoặc tím xanh, da mỏng, ít lông, dễ dính bẩn do bụng nặng thường tiếp xúc với nền chuồng.

- Một thời gian sau, da bụng trở nên thâm tím hoặc tím xanh.

- Gà kém ăn hoặc bỏ ăn, ủ rũ, mệt mỏi rối loạn tiêu hóa rồi chết.

- Tỷ lệ bệnh trong đàn không cao, chỉ chiếm khoảng 2 - 10% nhưng hầu hết chúng đều đã có hiện tượng căng phồng bụng, da tím và đều sẽ chết. Sau khi đuổi bắt, gà bị bệnh bụng to không chạy được, ngã lăn ra chết ngay.

3. Bệnh tích

- Dấu hiệu điển hình là sự phù nề dưới da.

- Trong lòng bụng chứa đầy dịch màu vàng nhạt lẫn nhiều sợi Fibrin bám dính vào các cơ quan nội tạng.

- Cơ ức đỏ và xung huyết nặng, lách teo nhỏ. Gan sưng to, có màu thâm sẫm và nhiều điểm xung huyết hoặc có màu vàng như đất sét, xơ cứng.

- Thận sưng to và nhợt nhạt. Phổi bị phù nề chứa nhiều nước. Thành túi khí đục và có nhiều Fibrin bám dính. Tim to và nhão.

- Niêm mạc ruột viêm, thành ruột mỏng, lòng ruột có chứa thức ăn không tiêu nhưng có màu nâu.

- Buồng trứng teo và bị thoái hóa, ống dẫn trứng cũng bị viêm teo, màng bao bị viêm Fibrin bám dính…

- Có trường hợp toàn bộ gan, ruột, dạ dày được bao lại bằng một lợp Fibrin dày. Nước tích trong xoang bụng sánh, nhớt như dầu nhớt.

4. Điều trị

- Khi phát hiện bệnh, cần điều chỉnh lại khẩu phần ăn. Trong nguyên liệu sản xuất thức ăn, cần giảm hoặc loại bỏ khô dầu và dầu thực vật dùng trong thức ăn, tức là phải cân đối lại thành phần dinh dưỡng khẩu phần ăn sao cho đủ đạm, axit min nhưng không dư thừa axit béo. Chú trọng đến việc chống nấm mốc và khả năng sinh độc tốc của thức ăn.

- Bổ sung khoáng và vitamin, các axit amin không thay thế. Cho uống Dufaminovit Oral với liều  1 ml/5 l nước.

- Tăng cường giải độc gan, thận. Trộn những kháng sinh có tác dụng đặc trị Salmonella và E. coli. Dùng Bioberry Liquid để giải độc gan thận với liều 1 ml/1 lít nước (hoặc 1 ml/5 kg trọng lượng).

- Dùng kháng sinh Amoxicol với liều 0,11 - 0,22 g/kg trọng lượng để trị E. Coli, Salmonella hoặc Colistine 4800 WSP với liều 1 - 2 g/10 l nước uống.     

5. Phòng bệnh

- Thức ăn cần được đảm bảo chất lượng: Cân bằng giữa đạm và chất béo; Cân bằng đạm động vật và đạm thực vật; Cân bằng đạm với vitamin và khoáng.

- Điều chỉnh lượng thức ăn và số lần cho ăn trong một ngày. Có thể tăng số lần hoặc chia ra cho gà ăn làm nhiều lần trong ngày.

- Định kỳ bổ sung các loại kháng sinh để phòng E. coli và Salmonella.

- Chú ý việc quản lý nhiệt độ, độ thông thoáng khí của chuồng nuôi trong 2 tuần úm đầu tiên. Vệ sinh phòng bệnh tốt, chuẩn bị chuồng úm phải sạch sẽ, ấm, thoáng khí, trước khi bắt gà về phải bật bóng điện để tăng nhiệt độ ở trong quây úm. Nên có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ.

- Đặc biệt, cần quan tâm đến các điều kiện nhiệt độ, ẩm độ, độ thông thoáng khí hậu chuồng úm, trong đó không thể bỏ qua việc khống chế, loại trừ các khí độc.

- Để phòng bệnh, có thể dùng Gluco K-C pha nước với liều lượng 250 g/20l nước uống trong 2 giờ/ngày, thuốc có tác dụng làm tăng tính chắc cho thành mạch, hạn chế tính thẩm thấu dịch. All-zym pha nước liều 1 g/1l nước, uống trong 3 giờ/ngày. Lưu ý, đối với 2 loại thuốc trên phải cho gà nhịn khát hoàn toàn rồi mới cho gà uống thuốc.

- Định kỳ trộn thuốc kháng sinh với thức ăn hoặc hòa vào trong nước để phòng bệnh cho gà như Genta-Tylosin, Ampicolifort, Amoxypen....

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi