Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 36684
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Phương pháp phòng và trị bệnh trên cá trắm cỏ và cá rô phi (05/09/2016)

Bệnh xuất huyết do virus trên cá trắm cỏ và bệnh do vi khuẩn Streptococcus spp trên cá rô phi là 02 loại bệnh phổ biến diễn ra tại các hộ nuôi trồng thủy sản một số tỉnh phía Bắc dịp tháng 8-10/2015. Để giúp bà con hiểu rõ và chủ động phòng và chữa 02 bệnh này cho 02 đối tượng nuôi trên, bài viết xin chia sẻ các thông tin sau:

1. Bệnh xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ:

Cá trắm cỏ là đối tượng cá truyền thống có giá trị kinh tế cao, cá ưa sống trong môi trường nước trong sạch, thức ăn chủ yếu là các loại thực vật. Trong quá trình nuôi cá thường mắc bệnh xuất huyết do virus đặc biệt là vào giai đoạn chuyển mùa: cuối mùa xuân đầu mùa hè (tháng 3-5) và mùa thu (tháng 8-10) hàng năm.

* Dấu hiệu bệnh:

- Khi cá bị bệnh có dấu hiệu xoang miệng, xoang mang; nắp mang, mắt và gốc vây đều xuất huyết, đặc biệt là dưới lớp da xuất huyết, tróc vẩy và lớp da của cá có màu đỏ. Quan sát bên trong thành ruột xuất huyết cục bộ nhưng không hoại tử. Cá bị bệnh 3 - 5 ngày có thể chết và tỉ lệ chết từ 60 - 80%, nhiều ao tỉ lệ cá chết lên tới 100%.

* Phòng và trị bệnh:

- Phòng bệnh là chính bởi vì hiện nay chưa có phương pháp chữa bệnh hiệu quả.

- Trước mỗi vụ nuôi làm tốt công tác tẩy dọn ao nuôi: Bơm cạn nước, vét bùn (chỉ để lượng bùn <20cm), rắc vôi với liều lượng 7-10kg/100m2, phơi nắng từ 5 - 7 ngày sau đó lấy nước vào ao.

- Thả giống đảm bảo sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch bởi cơ quan chuyên môn.

- Trong quá trình chăm sóc, cho cá ăn đảm bảo nguyên tắc 4 định, 3 trừ: Định số lượng, định chất lượng thức ăn, định vị trí, định thời gian cho ăn và trừ địch hại, trừ cá cạnh tranh thức ăn, trừ bệnh. Nuôi cá trắm cỏ cho ăn thức ăn xanh với lượng khoảng 30 kg cỏ/100 kg cá kết hợp với thức ăn tinh, liều lượng 0,5 - 1% hàng ngày.

- Định kỳ 7 - 10 ngày sử dụng các loại chế phẩm sinh học như EM, Anova... để cải thiện môi trường nuôi.

- Trước mùa bệnh phát triển mạnh, cần phải cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc có nguồn gốc thảo dược để phòng bệnh cho cá, ví dụ như: KNO4-12 liều lượng 10 gr thuốc/40 kg cá/ngày, cho ăn 3 - 5 ngày liên tục/tháng hoặc tỏi xay nhỏ với liều lượng 0,5 - 1 kg tỏi/100 kg cá cho ăn 6 ngày liên tục/tháng.

- Khi cá bị bệnh cần sử dụng các loại thuốc khử trùng ao nuôi như Vicato, Iodine...

- Cho cá ăn thức ăn có trộn vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho cá.

2. Bệnh do vi khuẩn Streptococcus spp ở cá rô phi:

Cá rô phi là đối tượng dễ nuôi, khả năng chịu đựng môi trường tốt. Tuy nhiên trong quá trình nuôi cá hay bị mắc bệnh do vi khuẩn Streptococus spp. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn cho bà con.

* Dấu hiệu bệnh:

- Khi mới bị bệnh, cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn; hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết; thận, gan, lá lách mềm nhũn. Cá bệnh nặng bơi quay tròn không xác định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng chướng to.

* Phòng và trị bệnh:

- Phòng bệnh: Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp như đối với cá trắm cỏ. Trộn vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

- Trị bệnh:

+ Sử dụng các loại thuốc khử trùng xử lý môi trường, tiêu diệt mầm bệnh như:  Vicato, Iodine…

+ Dùng kháng sinh như: Florphenicol, Ampicillin, Amoxicillin...  trộn vào thức ăn cho ăn 5 - 7 ngày liên tục.

+ Sau khi cá khỏi bệnh cần bổ sung chế phẩm sinh học như EM, Anova .... nhằm gây lại vi sinh có lợi để cân bằng môi trường nuôi.

Lưu ý: Sử dụng thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, hóa chất theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì.

Nguồn: Khuyến nông Hà Nội