Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4458
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng” cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng (27/08/2020)

Nhiệm vụ Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng Tiên Lãng” cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng do ThS Trần Văn Khanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ được Hội đồng KH&CN thành phố đánh giá sáng 26/8. Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS Đan Đức Hiệp - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố.

Hình ảnh Logo nhận diện và đóng gói sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng Tiên Lãng.

Ngày 27/7/2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng Tiên Lãng”, chủ sở hữu nhãn hiệu là UBND huyện Tiên Lãng. Đây là bước tạo thương hiệu cho Gạo nếp cái hoa vàng trên thị trường. Tuy nhiên, để sản phẩm có khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị cũng như bảo tồn và phát triển được nguồn lúa giống truyền thống của địa phương, việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận là vô cùng cần thiết.

Thông qua việc đánh giá thực trạng quản lý, sản xuất, tiêu thụ và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng Tiên Lãng”, Ban Chủ nhiệm nhiệm vụ đã xây dựng mô hình tổ chức quản lý và phát triển nhãn hiệu, cụ thể:

Về bộ tiêu chuẩn cơ sở gồm 6 phần: Phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, thuật ngữ và định nghĩa, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp lấy mẫu, bao gói ghi nhãn hàng hóa và bảo quản vận chuyển. Mẫu nhãn hiệu được thiết kế đảm bảo các tiêu chí: được thiết kế cách điệu, tạo ấn tượng, gắn với địa danh của vùng bảo hộ, bao gồm cả phần hình và phần chữ… Hệ thống nhận diện sản phẩm bao gồm tem nhãn (kích thước 12x15cm, màu sắc chủ đạo là màu xanh cốm và màu nâu trắng…) và bao bì sản phẩm (kích thước 1kg, 1,5kg, 10kg, 15kg).

Về kỹ thuật sản xuất gồm 3 chương và 17 điều quy định rõ từ khâu làm đất đến thu hoạch chế biến, được tuyên truyền tới các hộ sản xuất để áp dụng. Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu gồm 7 chương và 24 điều  quy định các vấn đề về quản lý và sử dụng nhãn hiệu. Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu là tập hợp các bước và trình tự thực hiện trong cấp/ thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu gồm 3 chương với 19 điều. Quy định kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm gồm 3 chương và 11 điều, tập hợp các bước trong kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng để duy trì uy tín của sản phẩm trên thị trường. Hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng có khả năng theo dõi nhận diện được một đơn vị sản phẩm thông qua từng công đoạn của quá trình sản xuất chế biến, phân phối…

Thông qua hoạt động quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận đã góp phần nâng cao giá trị tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc sản của địa phương trên cơ sở đó bảo tồn và phát triển một nguồn gen quý. Trong đó, tác động rõ nét nhất của dự án là tăng giá thành sản phẩm, từ 26.000-28.000đ/1kg năm 2018 lên và giữ ổn định ở mức 30.000-35.000đ/1kg năm 2020.

Bên cạnh góp ý, bổ sung một số nội dung giúp Ban chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện nghiên cứu: Bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ triển khai dự án, bổ sung trích dẫn khoa học và tài liệu tham khảo, bổ sung kiến nghị đối với các sở, ngành và thành phố… Hội đồng KH&CN đánh giá, với những kết quả đạt được, triển khai xây dựng dự án là việc làm cần thiết và quan trọng trong việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng. Đây là hướng đi đúng đắn, mang lại lợi ích thiết thực cho người sản xuất./.

Nguyễn Lưu