Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3020
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN trong nước

Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập (01/10/2017)

Nhiều năm qua, mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập ngày càng phát triển, giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần có những giải pháp tháo gỡ để mạng lưới các tổ chức này phát huy được sức mạnh của KH&CN.

Hiện nay mạng lưới tổ chức KH&CN công lập được đánh giá là lớn về số lượng, phức tạp về quy mô, cơ cấu tổ chức, có sự trùng lặp về lĩnh vực hoạt động, đầu tư dàn trải dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao. Mặc dù đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, nhưng đến nay, việc tổ chức lại mạng lưới hạn chế và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Số liệu thống kê từ Bộ KH&CN cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 600 tổ chức KH&CN công lập, chủ yếu thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các trường đại học, các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Nhìn chung, số lượng tổ chức KH&CN công lập tại Việt Nam khá nhiều, nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Ðiều này thể hiện qua tổng số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong giai đoạn 2006 - 2013, Việt Nam xếp ở vị trí 62 trên thế giới, sau Thái Lan (43) và Malaixia (42); số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích trong giai đoạn 2011-2014 là 2.285 đơn, đứng sau Singapo, Thái Lan, Malaixia… Hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập không đồng đều, khi số lượng công bố khoa học, sáng chế và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, dịch vụ KH&CN chỉ tập trung ở một số tổ chức lớn thuộc bộ, ngành. Các tổ chức ở địa phương hầu như không có công bố quốc tế, sáng chế và doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng không quá hai tỷ đồng mỗi năm.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập chưa cao là do nguồn tài chính đầu tư cho KH&CN hiện nay rất thấp (khoảng 0,5% GDP) so với các nước có nền KH&CN phát triển (từ 2% đến 3% GDP). Phần lớn các tổ chức KH&CN đều trông chờ vào hỗ trợ về tài chính từ ngân sách nhà nước (NSNN). Trong 642 tổ chức KH&CN công lập, chỉ có khoảng 126 tổ chức tự bảo đảm đầu tư; còn lại khoảng 400 tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; chi đầu tư vẫn do Nhà nước bảo đảm; 116 tổ chức vẫn do Nhà nước bảo đảm toàn bộ. Kinh phí sự nghiệp khoa học lấy từ NSNN chủ yếu là để chi lương, chi hoạt động bộ máy cho các tổ chức, chiếm khoảng 90% tổng chi. Phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN chỉ còn khoảng 10%, mặc dù đây mới là hoạt động chính của tổ chức này. Một số đơn vị còn có nguồn kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp, xã hội, nhưng còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN tại Việt Nam. Việc huy động kinh phí lại tập trung ở các tổ chức lớn, có năng lực nghiên cứu, nhiều kết quả KH&CN có khả năng thương mại hóa thuộc các bộ như: Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải…

Cơ chế tài chính đối với các hoạt động của tổ chức KH&CN đến nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thực hiện các hoạt động. Ðiều này được thể hiện qua việc đầu tư nguồn tài chính từ NSNN cho các tổ chức còn dàn trải, chưa chú trọng đến tập trung đầu tư có trọng điểm cho các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, phát triển; chưa có cơ chế đánh giá, phân loại các tổ chức này theo hiệu quả hoạt động để có phương án cấp phát, tài trợ kinh phí từ NSNN cho hiệu quả; nhiều tổ chức KH&CN còn tư tưởng trông chờ nguồn tài chính từ NSNN, chưa chủ động thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp và xã hội;...

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, các cấp, các ngành có liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập; đẩy mạnh việc tái cơ cấu mạng lưới tổ chức KH&CN công lập, chỉ duy trì những tổ chức KH&CN công lập thuộc lĩnh vực mà Nhà nước cần thiết phải khuyến khích, phát triển nhưng các thành phần kinh tế khác trong xã hội không có khả năng hoặc không muốn đầu tư, thành lập; áp dụng cơ chế tự chủ, chuyển thành doanh nghiệp, sáp nhập hoặc giải thể đối với những tổ chức KH&CN không thuộc quy hoạch và chuyển các tổ chức nghiên cứu cơ bản vào các trường đại học, chuyển một số tổ chức nghiên cứu ứng dụng vào các doanh nghiệp; xác định các lĩnh vực KH&CN cần ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với từng lĩnh vực và vùng miền để tập trung đầu tư phát triển, tránh lãng phí các nguồn lực của Nhà nước do đầu tư dàn trải; tạo điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai đối với những tổ chức KH&CN thuộc lĩnh vực ưu tiên; ban hành cơ chế đánh giá, phân loại các tổ chức KH&CN công lập theo hiệu quả hoạt động, hiệu quả đóng góp của mỗi tổ chức để có phương án cấp phát hoặc tài trợ nguồn kinh phí từ NSNN một cách hợp lý và hiệu quả;...

Nguồn: Báo Nhân dân