Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 34302 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Quy trình nuôi cá Rô phi vằn đạt năng suất 10 tấn/ha/vụ (24/09/2015)
Nuôi cá Rô phi trong ao đất đạt năng suất 10 tấn/ha/vụ, kích cỡ cá thương phẩm trên 500g/con là mô hình đạt năng suất khá cao, kết hợp cả thức ăn tự nhiên và thức ăn công nghiệp, hạ giá thành sản xuất và phù hợp với điều kiện nuôi ở nhiều địa phương.
1. Chuẩn bị ao nuôi:
+ Diện tích ao: 1.000-10.000m2, tốt nhất là khoảng 4.000-6.000m2
+ Độ sâu trung bình: 1,5-2m nước
+ Ao nuôi cần có bờ vững chắc, không bị cớm rượp, đảm bảo mặt ao thông thoáng nhằm tăng cường khả năng hoà tan ô-xy từ không khí vào nước. Đáy ao được vét sạch bùn tạo điều kiện cho cá sinh trưởng.
+ Sau khi cải tạo đáy ao, bón vôi với liều lượng 7-10kg vôi bột/100m2 ao.
2. Cá giống, mùa vụ và mật độ thả:
+ Giống cá Rô phi đơn tính dòng GIFT hoặc dòng Thái. Cá giống đồng đều, không bị dị hình, bơi lội nhanh nhẹn và không mắc bệnh. Trước khi thả cá giống xuống ao, nên tắm cho cá bằng nước muối 2% trong thời gian 5-6 phút để loại trừ hết ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát do vận chuyển.
+ Mùa vụ nuôi: Ở miền Bắc từ tháng 3 đến tháng 11. Đối với miền Bắc, để đảm bảo cá thu hoạch đạt kích cỡ thương phẩm lớn, phải chủ động được nguồn giống bằng các hình thức nuôi giữ giống qua đông, sản xuất giống cá ở các vùng có nguồn nước nóng.
+ Mật độ nuôi: Để đạt năng suất 10 tấn/ha và cỡ cá trung bình 500g/con cần thả với mật độ 2,5-3 con/m2. Cỡ giống thả ao nên lớn hơn 5g/con. Nếu cá giống lớn sẽ rút ngắn được chu kỳ nuôi.
3. Cho ăn và chăm sóc:
* Thức ăn cho cá Rô phi chủ yếu là thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến.
+ Thức ăn công nghiệp: Dạng viên nén nổi, không tan trong nước, sẽ hạn chế được sự thất thoát thức ăn và giảm ô nhiễm nước ao nuôi. Giai đoạn đầu nên cho cá ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao, khi cá có trọng lượng trung bình 300g/con cho cá ăn thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm thấp 18-20%.
Thức ăn được chia đều làm 2 phần, cho cá ăn vào 8-9h sáng và 15-16h chiều. Cần cho cá ăn đúng giờ để tạo phản xạ cho ăn. Cứ 10 ngày, không cho cá ăn 1 ngày để kích thích tính thèm ăn của cá và tăng cường ăn khả năng ăn thức ăn tự nhiên trong ao.
+ Thức ăn tự chế biến: Được làm từ những nguyên liệu sẵn có của địa phương để phối chế thành thức ăn cho cá Rô phi. Các nguyên liệu cần được tính toán hợp lý đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, quan trọng nhất là đạm theo nhu cầu của cá Rô phi ở từng kích cỡ khác nhau. Các nguyên liệu được nghiền nhỏ, trộn đều với các chất kết dính như bột gòn, nấu chín để vo lại thành nắm hoặc qua máy đùn viên. Cho cá ăn trong sàn ăn, cho ăn từ từ, từng ít một cho đến khi hết thức ăn, tránh hiện tượng cá tranh giành thức ăn quá mạnh, làm thức ăn bị tan vào nước gây thất thoát… Không nên cho cá ăn dạng bột, vì thức ăn bị tan vào trong nước vừa lãng phí vừa làm bẩn môi trường nước ao nuôi.
Khi sử dụng thức ăn công nghiệp hay thức ăn tự chế biến phải chú ý đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Chăm sóc
- Bón phân vô cơ đạm, lân cho cá: Hoà tan phân đạm, lân ra nước rồi té đều khắp mặt ao. Chọn thời tiết có nắng (9-10h sáng) để bón phân vô cơ cho ao là thích hợp nhất vì tảo sẽ hấp thụ ngay nguồn dinh dưỡng vừa bón xuống ao.
- Thường xuyên quan sát mức nước trong ao để điều chỉnh cho đúng theo quy định. Giai đoạn đầu nên duy trì màu xanh của ao để tạo thêm thức ăn cho cá bằng cách bón phân vô cơ. Giai đoạn cá lớn trên 300g/con cần theo dõi thời tiết khí hậu, đặc biệt những hôm thời tiết thay đổi để có biện pháp cấp thêm nước hoặc thay nước nhằm hạn chế cá nổi đầu.
- Theo dõi tình hình dịch bệnh, nếu thấy cá chết rải rác phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia bệnh cá để có biện pháp phòng trị kịp thời.
4. Thu hoạch:
Sau khi cá nuôi được 5-6 tháng là có thể thu hoạch. Đánh bắt những cá thể đạt trên 500g/con, những cá thể nhỏ nên nuôi tiếp 1 tháng nữa sẽ đạt trọng lượng thương phẩm vì khi đó mật độ cá thưa, cá rất nhanh lớn.
Để hạn chế mùi bùn, trước khi thu hoạch 1-2 tuần nên tích cực thay nước sạch để hạn chế sự phát triển của tảo và nâng cao chất lượng cá nuôi.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD) (06/01/2025)
- Nghiên cứu và phát triển một số giống bông kháng sâu mới tại Điện Biên và Sơn La (25/12/2024)
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)