Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 41110 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học kỹ thuật và công nghệ
Sinh viên Bách Khoa thiết kế máy hiện sóng mini không dây giá rẻ (26/11/2016)
Đây là thiết bị đo tín hiệu điện áp ở đầu đo và liên tục gửi kết quả về điện thoại Android để hiển thị trên app di động dưới dạng biểu đồ quan sát. Thiết bị có thể chạy bằng nguồn điện áp 5V từ sạc điện thoại với cổng sạc microusb, hoặc dùng pin sạc tích hợp sẵn bên trong.
Nguyễn Việt Hải - sinh viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tác giả của mô hình Máy hiện sóng mini không dây hiển thị trên smartphone (Bluetooth Digital Oscilloscope) chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế cuộc sống cũng như trong quá trình học tập của bản thân khi là sinh viên khoa Cơ khí, em được tiếp xúc nhiều với các mạch điện, và nhận thấy rằng rất cần một thiết bị để có thể quan trắc được sự biến đổi của các tín hiệu điện áp, điều mà đồng hồ thông thường không làm được. Đồng thời, Oscilloscope (máy hiện sóng) vốn đã rất phổ biến trên thị trường nhưng lại quá đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền của sinh viên. Do đó, em đã tìm hiểu và tự chế tạo thiết bị này, đặt tên là S-OSC”.
Mày mò nghiên cứu từ dịp Tết năm 2016, đến nay Việt Hải đã có trong tay sản phẩm Bluetooth Digital Oscilloscope đầu tiên với thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi với giá thành rất “sinh viên”.
Theo Việt Hải, thiết bị có thể hiển thị hình dạng tín hiệu điện áp từ đầu đo trên một app trên Android. Quá trình nghiên cứu chế tạo bao gồm 2 phần chạy song song: phát triển mạch điện xử lý và phát triển app trên Android.
Áp lực từ bài vở trên lớp khiến quá trình chế tạo của cậu sinh viên này gặp không ít khó khăn. Khiêm tốn khi cho rằng những khó khăn đó chủ yếu là do kiến thức và kinh nghiệm của bản thân ở cả hai khâu đều còn yếu khiến nhiều lần mạch chạy sai, hỏng hóc, thậm chí bị cháy; app trên di động khi chạy cũng hay bị lỗi, giật.
Không hề nản chí, Hải vẫn kiên trì, tiếp tục thử nghiệm, mày mò và ngày “hái quả” đã tới khi cậu sinh viên khoa Cơ khí chế tạo thành công phiên bản đầu tiên của S-OSC, đủ để dùng cho các dự án nhỏ ở nhà như hiện tại.
Về sản phẩm, Việt Hải phân tích: “Ngoài mạch điện được em sử dụng các linh kiện rẻ tiền sẵn có trên thị trường, phần vỏ được em chế tạo thủ công bằng chất liệu formex. Đây là thiết bị đơn giản giúp đo tín hiệu điện áp ở đầu đo và liên tục gửi kết quả về điện thoại Android hiển thị trên app di động dưới dạng biểu đồ để quan sát. Thiết bị có thể chạy bằng nguồn điện áp 5V từ sạc điện thoại với cổng sạc microusb, hoặc dùng pin sạc tích hợp sẵn bên trong”.
Theo Hải, hầu hết, các thiết bị tương tự có sẵn trên thị trường thường rất đắt, sinh viên không thể tự trang bị để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu nên đây là sản phẩm vừa nhỏ gọn, tính cơ động cao, dễ dàng di chuyển vừa có giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên khi phục vụ nhu cầu học tập.
Việt Hải cùng nhóm sinh viên Bách Khoa tại Ngày hội sáng chế 2016
“Tuy nhiên, do hiện tại thiết bị đang ở phiên bản đầu, vẫn còn nhiều nhược điểm, như khả năng chống nhiễu chưa cao, tiêu thụ nhiều năng lượng, app hiển thị chưa đủ thông tin cần thiết, phần cứng thiết bị chưa bắt mắt”, cậu sinh viên Bách Khoa vẫn còn rất trăn trở để khắc phục những nhược điểm của sản phẩm.
Chia sẻ về dự định cho sản phẩm trong tương lai, Hải cho biết thiết bị đã và đang được sử dụng đắc lực cho các công việc học tập và nghiên cứu với các dự án nhỏ ở nhà. “Tương lai em sẽ phát triển các phiên bản tiếp theo và thương mại hóa, cung cấp cho đối tượng là các sinh viên chuyên nghành kĩ thuật điện - điện tử cần một sản phẩm cơ động và giá rẻ phục vụ nhu cầu học tập và làm việc” Việt Hải mong muốn.
Nguồn: www.vista.gov.vn (Theo Một thế giới)
- Trung Quốc phát triển radar laser có thể 'mò kim dưới biển' (16/12/2024)
- Bơm nhiệt CO2 lớn nhất thế giới có thể sưởi cho 25.000 hộ (09/12/2024)
- Neuralink thử nghiệm điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ (02/12/2024)
- Trung Quốc khởi động cỗ máy siêu trọng lực mạnh nhất thế giới (25/11/2024)
- Nhà máy năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới (18/11/2024)
- Xe điện mặt trời có thể chạy 1.600 km (12/11/2024)