Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2082
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Sinh viên tìm ra vi khuẩn ức chế bệnh xơ đen trên mít (04/05/2023)

 

Nhóm sinh viên Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) tìm ra vi khuẩn Alcaligenes sp. LH8 có khả năng ức chế bệnh xơ đen trên mít, thay thế phương pháp hóa học.

Hoàng Đình Huy, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, do bệnh xơ đen không biểu hiện ra bên ngoài trái mít, gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh. Nông dân chủ yếu dùng phương pháp cắt một góc đầu quả mít để quan sát phần ruột bên trong, phát hiện xơ đen là loại bỏ. Nhiều hộ dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng ngừa trước khi thụ phấn, hoặc thuốc trừ sâu diệt vật trung gian mang bệnh.

Khảo sát một số vườn tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) nhóm ghi nhận, bệnh này xảy ra trên giống mít thái siêu sớm và cả mít ruột đỏ. Biểu hiện trên trái cho thấy các vết đen là những chấm nhỏ xuất hiện tiếp giáp giữa múi và trung bì quả. Các vết đen dần lớn theo tuổi của trái hình thành nhiều hơn làm cho múi và xơ dính chặt lại với nhau.

Từ đầu năm 2022 Huy cùng với Nguyễn Thị Yến Vân, Nguyễn Thị Mỹ Nguyệt thực hiện nghiên cứu với mong muốn giúp nông dân có thêm giải pháp phòng ngừa bệnh xơ đen trên mít.

Theo nghiên cứu, tác nhân chính gây bệnh mít xơ đen là vi khuẩn Pantoea Stewartii. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể bị ức chế bởi Alcaligenes sp. LH8. Thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhóm tiến hành nuôi cấy, trộn hai vi khuẩn Pantoea stewartii và Alcaligenes sp. LH8 cho sống chung.

Sau một thời gian xảy ra quá trình tiếp xúc tế bào, vi khuẩn Alcaligenes sp. LH8 phát triển mạnh còn tác nhân gây bệnh mít xơ đen Pantoea stewartii phát triển chậm. Điều này thể hiện qua đường kính vòng kháng khuẩn chủng vi khuẩn Alcaligenes sp. LH8 ức chế tác nhân gây bệnh mít xơ đen trên 16 mm. Đây là vi khuẩn kích thước lớn nhất nên khả năng gây ức chế chủng gây bệnh tốt nhất. "Ngoài căn cứ theo đường kính vòng kháng khuẩn, nhóm đang nghiên cứu tiếp để hiểu rõ cơ chế gây ức chế của vi khuẩn", Huy nói.

Hướng nghiên cứu vi khuẩn đối kháng đang là xu thế của nông nghiệp, nhằm tìm kiếm các chủng vi khuẩn có khả năng ức chế tác nhân gây bệnh mít xơ đen nhằm cải thiện giá trị thương phẩm cũng như kinh tế cho người nông dân. Kết quả của nghiên cứu là nền tảng để sản xuất chế phẩm sinh học có khả năng ức chế sự sinh trưởng và phát triển của tác nhân gây bệnh xơ đen trên trái mít, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại kinh tế cho nhà vườn.

Từ nghiên cứu có thể thu nhận tế bào của các chủng có khả năng đối kháng dùng làm chế phẩm vi sinh dùng để phun, xịt, tưới gốc hoặc trộn với phân, bón cho cây trước quá trình thụ phấn để phòng ngừa bệnh.Tuy nhiên để làm việc này phải có nhiều thí nghiệm kiểm tra độ an toàn của các chủng vi khuẩn.

Ba thành viên nhóm tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka cuối năm 2022. Ảnh: NVCC

Theo TS Phạm Tấn Việt, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Công nghiệp TP HCM, đề tài dùng vi khuẩn ức chế bệnh mít xơ đen là một hướng nghiên cứu khá mới, chưa có nhiều công trình trong nước thực hiện. Một số nước như Malaysia, Indonesia... đã có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này, tuy nhiên sử dụng những chủng vi khuẩn khác.

TS Việt cho rằng, nhóm có thể phát triển thành các chế phẩm sinh học sử dụng ngay trong giai đoạn mít bắt đầu quá trình thụ phấn để ngăn chặn bệnh nhưng không làm mất phấn hay hư nhụy ảnh hưởng sự phát triển của quả. "Việc thử nghiệm hiệu quả cần làm ở cây mít sống. Do chu kỳ phát triển trái mít khá dài nên cần nhiều thời gian. Do đó, nhóm cần sự hợp tác của các nhà vườn để thử nghiệm chế phẩm sinh học ở giai đoạn nghiên cứu tiếp theo", TS Việt nói./.

Hà An

Ngày cập nhật: 2/5/2023

https://vnexpress.net/sinh-vien-tim-ra-vi-khuan-uc-che-benh-xo-den-tren-mit-4599733.html