Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 14558
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Tác động của công nghệ in 3D đối với chuỗi giá trị toàn cầu (03/06/2019)

Công nghệ In 3D có khả năng biến đổi kiến trúc của chuỗi giá trị toàn cầu và triển vọng của toàn bộ quá trình sản xuất, nhưng rất khó dự đoán khung thời gian khi mà in 3D có thể trở thành công nghệ thay đổi cuộc chơi, nếu điều này có thể xảy ra.

 

Liệu công nghệ in 3D sẽ làm thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu?

 

Năm 2015, các lô hàng máy in 3D trên toàn thế giới trong ước tính đạt gần 250.000 chiếc. Dự báo thị trường tương lai cho máy in 3D rất khác nhau, theo Gartner (2015) dự kiến thị trường máy in 3D sẽ tăng gấp đôi giữa năm 2016 và đến năm 2019 sẽ ước đạt giá trị 5,6 tỷ USD. JP Morgan dự báo tăng trưởng lên 7 tỷ USD vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với ước tính của Morgan Stanley là 22 tỷ USD. Về tác động lên các ngành khác trên toàn cầu, McKinsey (2014) ước tính con số này vượt quá 550 tỷ USD vào năm 2025. 

 

Yếu tố lớn nhất hạn chế sự mở rộng của công nghệ này là chi phí chuyển từ phương pháp sản xuất hàng loạt sang in 3D. Mặc dù, nó nhanh chóng thâm nhập vào các ngành công nghiệp có chi phí cao, khối lượng thấp như hàng không vũ trụ, y tế, nha khoa, quốc phòng, giáo dục và ngành công nghiệp ô tô. Nhưng dự kiến việc in 3D sẽ thâm nhập chậm hơn vào các ngành công nghiệp vừa và có chi phí vừa phải, còn lại là các ngành công nghiệp có chi phí thấp, khối lượng lớn sẽ khó có thể chuyển sang in 3D trong nhiều thập kỷ nữa. Laplume et al. (2016) cho rằng các ngành công nghiệp có khả năng áp dụng công nghệ in 3D là sản xuất các sản phẩm nhỏ nhưng tùy biến, được làm từ một loại vật liệu duy nhất và không cần nhiều bộ phận tương tác, đặc trưng bởi các nền kinh tế có quy mô nhỏ và tự động hóa thấp.

 

Ngoài những sự khác biệt của ngành công nghiệp, việc sử dụng công nghệ in 3D thay đổi đáng kể dọc theo chuỗi giá trị. Hầu hết in 3D tập trung vào các hoạt động thượng nguồn như tạo mẫu, phát triển sản phẩm và nghiên cứu phát triển. Ước tính, chỉ có 15% kết quả đầu ra của in 3D là liên quan đến hàng hóa (phần cuối cùng nhưng đặc biệt là phần trung gian) với phần lớn là các mô hình, công cụ và nguyên mẫu. 

 

Mô tả tác động tiềm năng của in 3D trên chuỗi giá trị toàn cầu, Rehnberg và Ponte (2016) phân biệt giữa hai kịch bản trong tương lai. Một kịch bản dự đoán rằng hoạt động in 3D đóng vai trò bổ sung cho sản xuất truyền thống, đặc biệt được sử dụng để tạo mẫu, sản xuất dụng cụ máy chuyên dụng… Kịch bản này dường như mô tả tình hình hiện tại trong một số ngành. Các công ty áp dụng in 3D để nén chu kỳ thiết kế và phát triển của các sản phẩm mới. Bản thân các sản phẩm này được sản xuất thông qua các phương pháp sản xuất “truyền thống”. Kịch bản này có thể dẫn đến sự sâu sắc hơn nữa của lý thuyết “đường cong nụ cười” (smile curve - Trong lý thuyết quản lý kinh doanh, đường cong nụ cười là mô tả đồ họa về cách giá trị gia tăng thay đổi theo các giai đoạn khác nhau của việc đưa sản phẩm ra thị trường trong ngành công nghiệp sản xuất có liên quan đến công nghệ thông tin), với lợi thế cạnh tranh cho các công ty có quyền truy cập kịp thời vào trí tuệ của khách hàng (dữ liệu lớn) và có thể đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng. 

 

Ở kịch bản còn lại, một viễn cảnh lạc quan và dài hạn hơn dự đoán công nghệ in 3D sẽ thay thế sản xuất truyền thống bằng các sản phẩm được in 3D toàn bộ hoặc phần lớn. Rõ ràng là trong kịch bản này, tác động đến tương lai chuỗi giá trị toàn cầu và sản xuất toàn cầu có thể được dự kiến sẽ lớn hơn nhiều. Đầu tiên, in 3D sẽ cho phép việc sản xuất các sản phẩm ngay tại thị trường cuối, thay vì phải dựa vào việc sản xuất và lắp ráp bên ngoài. Thứ hai, chuỗi giá trị toàn cầu sẽ bị nén và co lại, khi mà đầu vào trung gian/thành phần trung gian bị tách ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu (bị thay thế bởi mực in). Thứ ba, in 3D cũng sẽ làm giảm nhu cầu về hàng tồn kho, kho bãi, phân phối, trung tâm bán lẻ và đóng gói. Thứ tư, khi hàng trung gian sẽ được thay thế bằng các tệp CAD, in 3D sẽ làm thay đổi đặc điểm thương mại trong phạm vi chuỗi giá trị toàn cầu. Thay vì việc chuyển giao hàng hóa và dịch vụ vật chất xuyên biên giới, thương mại sẽ ngày càng bao gồm việc chuyển giao dữ liệu phi vật chất quốc tế (thiết kế, bản thiết kế, phần mềm…).

 

Nguồn: NASATI(OECD)/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 31/5/2019