Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 22249
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Tăng năng suất rau xanh và sạch nhờ côn trùng (04/08/2015)

Các loài côn trùng có ích đã được sử dụng trong sản xuất rau xanh, sạch, an toàn.

Hiện nay, nhiều loại rau xanh bán trên thị trường còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Việc sản xuất rau sạch, rau an toàn trong nông nghiệp đô thị đã trở thành nhu cầu cấp thiết của xã hội trong quá trình đô thị hoá, ngoài yếu tố bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và khoa học vì hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Nghiên cứu khai thác lợi dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống sâu hại hiệu quả là một hướng quan trọng trong phát triển biện pháp sinh học. Đây cũng là biện pháp chủ đạo của hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Sản xuất rau an toàn

Tại khu vực Hà Nội, bao gồm cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã xuất hiện nhiều vùng tập trung sản xuất rau an toàn, trong đó các khu sản xuất rau trong nhà lưới đang được nhân rộng và phát triển, đáng kể như mô hình rau an toàn trồng trong nhà lưới ở Ðông Anh, Gia Lâm và Hoàng Mai, khu trồng rau ở Kim An, Lĩnh Nam. Tuy nhiên, trong canh tác rau an toàn trong nhà lưới công tác phòng chống sâu bệnh vẫn áp dụng biện pháp như ở ngoài cánh đồng với việc lạm dụng, gia tăng việc sử dụng thuốc, phân hóa học và chất kích thích sinh trưởng.

 

 

   Các loại côn trùng có ích.

Theo Cục bảo vệ Thực vật năm 2010 có 28,3% số mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép, 78,75% mẫu rau có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép, 50,02% mẫu rau có hàm lượng Ni-tơ-rát cao hơn mức quy định, 67,85% mẫu có chứa E-cô-li và 96,42% mẫu có chứa Cô-li-phom. Trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu và sử dụng tài nguyên côn trùng có giá trị kinh tế trên cây rau đã được thực hiện và đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên các kết quả nghiên cứu này chỉ thực hiện trên rau trồng ở ngoài đồng mà chưa tiến hành ở vùng tập trung sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhất là những nghiên cứu về thành phần sâu hại, thiên địch, sự phát triển và biện pháp phòng chống sinh học sâu hại rau trong nhà lưới nhằm phục vụ sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – GAP (Good Agricultural Practices) thay thế cho việc sử dụng phương pháp canh tác ở ngoài đồng.

Góp phần sản xuất rau an toàn theo hướng GAP, cung cấp các sản phẩm rau an toàn cho Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh, đề tài “Nghiên cứu thành phần loài, sự phát sinh phát triển của côn trùng hại, thiên địch của chúng và một số biện pháp phòng chống sinh học sâu hại rau phục vụ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại một số điểm ở Hà Nội” do PGS.TS. Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KHCNVN làm chủ nhiệm đã được triển khai và thu được những kết quả khả quan. Đề tài đi sâu vào phân tích xác định thành phần loài côn trùng hại và thiên địch của chúng trên rau họ Hoa thập tự trồng trong nhà lưới cũng như sự phát sinh, phát triển của một số loài phổ biến. Từ đó tiến hành nhân nuôi và thử nghiệm thả một số loài bắt mồi, ký sinh để phòng chống các loài sâu hại rau họ Hoa thập tự trong nhà lưới.

Trên rau Họ hoa thập tự ở Hà Nội, ghi nhận 28 loài sâu hại thuộc 16 họ, 7 bộ và 41 loài côn trùng ký sinh, bắt mồi của sâu hại thuộc 18 họ, 6 bộ. Trong 28 loài sâu hại thì có 5 loài xuất hiện liên tục và hại phổ biến bao gồm sâu khoang Spodoptera litura, sâu xanh bướm trắng Pieris rapae, sâu tơ Plutella xylostella, rệp xám Brevicoryne brassicae, bọ nhảy sọc cong Phyllostreta striolata. Trong 41 loài côn trùng ký sinh, bắt mồi của sâu có 8 loài phổ biến và có mặt cả trong và ngoài nhà lưới là bọ rùa đỏMicraspis discolor, bọ rùa 6 vằn đen Menochilus sexmaculatus, bọ rùa 2 chấm đỏ Lemnia biplagiata, bọ rùa nhật bản Propylea japonica, bọ cánh cộc 3 khoang Paederus fuscipes, ruồi ăn rệp bụng nâu vàng Episyrphus balteatus, ong ký sinh kén trắngApanteles sp., ong ký sinh rệp Diaeretiella rapae.

Nghiên cứu sự phát triển của một số loài phổ biến trên rau trong nhà lưới

Trong 2 năm điều tra (2011 - 2012) trên rau bắp cải và xu hào, mật độ của 5 loài sâu hại đạt 2 đỉnh ở môi trường nhà lưới gồm: sâu khoang đạt đỉnh vào tháng 5 và tháng 11, sâu xanh bướm trắng đạt đỉnh vào tháng 2 và tháng 5, sâu tơ đạt đỉnh vào tháng 1 và tháng 5, bọ nhảy sọc cong đạt đỉnh ở tháng 5 và tháng 12 và rệp xám đạt đỉnh ở tháng 1 và tháng 5. Mật độ của các loài bắt mồi rất thấp trong nhà lưới, trong đó nhóm bọ rùa bắt mồi đạt 2 đỉnh vào tháng 5 và tháng 12, các nhóm còn lại đạt 1 đỉnh bao gồm nhóm bọ xít bắt mồi đạt đỉnh tháng 6, nhóm bọ đuôi kìm mồi đạt đỉnh tháng 10, nhóm bọ cánh cứng bắt mồi đỉnh tháng 2 và nhóm cánh cộc 3 khoang đạt đỉnh vào tháng 4. Ong ký sinh rệp cũng ít có vai trò trong việc khống chế mật độ rệp với tỷ lệ ký sinh đạt cao nhất tháng 2.

Trên rau trồng trong nhà lưới mối quan hệ giữa các loài bọ xít bắt mồi, bọ đuôi kìm, bọ cánh cộc 3 khoang, bọ chân chạy và bọ rùa bắt mồi với con mồi là các loài sâu hại chính (sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ và rệp xám) thấp và ít có vai trò kìm hãm số lượng của các loài sâu hại kể trên. Thời vụ canh tác, chế độ bón phân, kỹ thuật chăm sóc rau khác nhau ở trong nhà lưới so với ngoài nhà lưới đã làm ảnh hưởng đến mật độ trung bình của sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy sọc cong củ lạc, bọ rùa bắt mồi, bọ xít bắt mồi, bọ cánh cộc 3 khoang và cánh cứng bắt mồi trên bắp cải và xu hào. Trong nhà lưới mật độ của các loài thuộc nhóm bọ xít bắt mồi, bọ chân chạy bắt mồi, bọ cánh cộc 3 khoang và bọ rùa bắt mồi ở các ruộng phun thuốc đều rất thấp, ở các công thức phun thuốc từ 4 lần/vụ trở lên đều không thấy xuất hiện các loài bắt mồi. Trong nhà lưới việc phun thuốc 2 lần/vụ cũng làm ảnh hưởng đến các loài bắt mồi tương đương như phun 3 lần/vụ ở ngoài nhà lưới .

Kết quả nhân nuôi ong mắt đỏ và một số loài côn trùng bắt mồi chủ yếu trong phòng thí nghiệm

Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành lưu giữ, nhân nuôi và bảo quản hơn 300 thế hệ ong mắt đỏ ký sinh trên trứng ngài gạo tại Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật với quy trình nhân nuôi có thể sản xuất đáp ứng đủ số lượng ong thả ra cánh đồng nhằmdiệt trừ sâu hại rau.

Trong điều kiện phòng thí nghiệm, nhân nuôi bọ rùa sáu vằn và bọ rùa chữ nhân bằng thức ăn là rệp đậu đen (rệp đậu đen được nhân nuôi bằng giá thể rẻ tiền) cho sức đẻ trứng cao ở thế hệ 1 và 2 (55,77-79,53,96 quả/con cái) với tỷ lệ nở của trứng cao (71,45-87,88%). Nhân nuôi bọ đuôi kìm E. annulipes bằng thức ăn cám mèo trong hộp nhựa cho hệ số nhân nuôi là 5,6-8,1 lần với trung bình thu được 121,5-194,9 con từ 15-35 cặp nuôi ban đầu, bằng chậu nhựa cho hệ số nhân nuôi là 7,8-9,3 lần với trung bình thu được 241,2-465,7 con từ 30-50 cặp nuôi ban đầu. Nhân nuôi 3 loài bọ xít cổ ngỗng đỏ S. falleni, bọ xít cổ ngỗng đen S.croceovittatus và loài bọ xít nâu C. fuscipennis với thức ăn là sâu khoang S. litura và ấu trùng ngài gạo C. cephalonica cho tỷ lệ nhân nuôi 17-19 cá thể với 1 cặp đực cái ban đầu.

Trên cây rau trong nhà lưới, tiến hành thả OMĐ (ong mắt đỏ) với mật độ 740.000 cá thể/ ha trên rau cho thấy tỷ lệ trứng sâu tơ bị ký sinh bởi OMĐ là khá cao (73,43 - 83,33%) và mật độ sâu tơ giảm thấp so với đối chứng không thả OMĐ. Thả bọ rùa chữ nhân với mật độ 1 cá thể/1m2 (thả 2000 ấu trùng và 6000 trưởng thành/ 8000m2) đã làm giảm mật độ rệp xám hại rau sau 6 ngày thả so với đối chứng không thả. Thả bọ đuôi kìm bắt mồi trên rau cải bắp trong nhà lưới kín với mật độ thả 1 con/m2 có thể khống chế mật độ rệp xám và sâu tơ. Thả thiếu trùng và trưởng thành của bọ xít nâu bắt mồi và 2 loài bọ xít cổ ngỗng bắt mồi với mật độ thả 0,2-0,5 cá thể /m2 đã làm giảm đáng kể mật độ sâu hại thuộc bộ cánh vẩy so với đối chứng không thả.

Để đạt được hiệu quả tối ưu từ mô hình phòng trừ sinh học sâu hại (không sử dụng thuốc trừ sâu) trong sản xuất rau an toàn theo hướng GAP trong nhà lưới là cần phải thả 1 đợt BĐK (bọ đuôi kìm) và BXBM (bọ xít bắt mồi) vào tháng 2, thả OMĐ (ong mắt đỏ), BĐK và BXBM vào tháng 5 và thả 2 đợt BRBM vào tháng 12.

Từ những nghiên cứu trên cho thấy việc phát triển nhân nuôi các loài thiên địch của sâu hại đem lại nhiều lợi ích đối với ngành trồng trọt. Trong tương lai, đây là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp hạ giá thành sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của người nông dân và thấp hơn so với chi phí mua thuốc trừ sâu, giải quyết được áp lực ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng nhiều và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: khoahoc.tv (Theo Vietq)