Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 5082 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Tạo thành công thuốc chống siêu vi khuẩn nguy hiểm nhờ AI (30/05/2023)
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng để tạo ra abaucin, một loại thuốc đặc hiệu chống lại siêu vi khuẩn Acinetobacter baumannii với khả năng gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
AI đã được sử dụng trong quá trình chế thuốc chống siêu vi khuẩn Acinetobacter baumannii.
Các nhà khoa học sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) vừa chế tạo ra một loại kháng sinh mới có thể tiêu diệt một siêu vi khuẩn chết người.
Theo một nghiên cứu mới vừa được công bố vào thứ Năm tuần này trên tạp chí khoa học Nature Chemical Biology, một nhóm các nhà khoa học của trường Đại học McMaster và Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã tạo ra loại kháng sinh mới chống siêu vi khuẩn Acinetobacter baumannii (A baumannii).
Đây là loại vi khuẩn được Tổ chức y tế Thế giới (WHO) phân loại vào nhóm “cực kỳ nguy hiểm”, có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người.
Theo WHO, vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh cực mạnh và chống lại nhiều biện pháp điều trị hiện có. Ngoài ra, chúng có thể chuyển tiếp nguyên liệu di truyền, cho phép các vi khuẩn khác cũng có khả năng kháng thuốc tương tự.
A baumannii là một mối đe dọa lớn với các bệnh viện, viện dưỡng lão và những bệnh nhân đang lệ thuộc vào máy trợ thở, máy lọc máu. Chúng cũng gây nguy hiểm cho những người có vết thương hở sau phẫu thuật.
Vi khuẩn này có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài trên các thiết bị dùng chung. Chúng có thể lây lan qua tay người, thông qua hoạt động tiếp xúc thông thường. Ngoài việc gây ra các bệnh truyền nhiễm về máu, A baumannii còn gây bệnh cho phổi và đường tiết niệu.
Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ, vi khuẩn này có khả năng “xâm chiếm” và trú ẩn trong cơ thể bệnh nhân mà không gây ra bệnh truyền nhiễm hay triệu chứng gì. Điều này khiến cho việc phát hiện chúng trở nên khá khó khăn.
Nghiên cứu vừa được công bố cũng tiết lộ rằng các nhà khoa học đã sử dụng một thuật toán dựa trên AI để sàng lọc hàng nghìn phân tử kháng khuẩn, trong nỗ lực dự đoán những lớp cấu trúc mới. Kết quả của việc sàng lọc bằng AI cho thấy họ đã có thể nhận diện một loại hợp chất kháng khuẩn được đặt tên là abaucin.
“Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu cho biết loại hóa chất nào có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, và hóa chất nào không làm được điều này. Nhiệm vụ của tôi là huấn luyện mẫu hóa chất hiệu quả, và những điều mà mẫu này phải làm sẽ cho chúng tôi biết phân tử mới có khả năng kháng khuẩn hay không”, Gary Liu, một sinh viên tốt nghiệp trường Đại học McMaster và là thành viên nhóm nghiên cứu dự án, cho biết.
Sau khi huấn luyện mẫu AI nêu trên, các nhà khoa học đã dùng nó để phân tích 6680 hợp chất mà nó chưa từng tiếp xúc trước đó. Quá trình phân tích diễn ra trong 1h30 phút và cuối cùng AI đã tạo ra vài trăm hợp chất kháng khuẩn mới. Khoảng 240 hợp chất kháng khuẩn đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm cuối cùng đã xác định được 9 loại hợp chất kháng khuẩn tiềm năng có thể dùng làm kháng sinh mới, bao gồm cả abaucin.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm loại hợp chất chống siêu vi khuẩn A baumannii trên một mẫu vết thương bị nhiễm trùng ở chuột và phát hiện hợp chất mới này kiềm chế sự nhiễm trùng rất tốt.
“Dự án sẽ hợp thức hóa việc sử dụng máy móc trong công tác tìm kiếm kháng sinh mới”, Jonathan Stokes, phó giáo sư tại Khoa y sinh và hóa sinh, trường Đại học McMaster, người đứng đầu dự án cho biết. “Bằng việc sử dụng AI, chúng ta có thể nhanh chóng khai phá những mảng kiến thức hóa học rộng lớn, tăng đáng kể khả năng tìm thấy những phân tử kháng sinh mới”./.
Nguồn: Phú Thụy/vietnamplus.vn
Ngày cập nhật: 27/5/2023
https://www.vietnamplus.vn/tao-thanh-cong-thuoc-chong-sieu-vi-khuan-nguy-hiem-nho-ai/864941.vnp
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)