Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 10591 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học thường thức về hàng không học và khoảng không vũ trụ
Tên lửa Starship lại phóng vào không gian: Chinh phục Sao Hỏa không còn xa (02/12/2024)
Trong bài thử nghiệm lần này của tên lửa Starship, hệ thống đẩy Super Heavy đã không được bắt bởi cánh tay robot, thay vào đó nó đã được đưa xuống Vịnh Mexico.
Tên lửa Starship rời bệ phóng vào chiều 19/11. (Ảnh: SpaceX).
Siêu tên lửa đẩy Starship cao 122 mét của SpaceX đã phóng lên lần thứ sáu vào 17h00 ngày 19/11, giờ Miền Đông Hoa Kỳ (22h00 theo giờ Việt Nam), tại bãi phóng Starbase (bang Texas, Mỹ).
SpaceX đã hạ cánh thành công hệ thống đẩy khổng lồ của tên lửa Starship, được gọi là Super Heavy trở lại tháp phóng vào ngày 13/10; nó đã gây ấn tượng trên toàn thế giới khi được bắt bởi một cánh tay robot - được mệnh danh là "đũa phép".
Trong lần phóng vừa diễn ra, công ty này đặt mục tiêu lặp lại kỳ tích đó, nhưng dữ liệu chuyến bay không phù hợp cho lần đáp này. Chính vì thế, tầng đẩy Super Heavy buộc phải đưa xuống Vịnh Mexico.
Những mong đợi cho chuyến bay thử nghiệm lần thứ sáu là rất cao, một phần là do nỗ lực bắt tên lửa đẩy trên bệ phóng đã được lên kế hoạch. Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự tham gia của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông đã đến Texas để trực tiếp theo dõi chuyến bay lần này.
Sự ủng hộ của Tổng thống Trump không phải là điều quá ngạc nhiên. CEO Elon Musk đã chi hơn 100 triệu đô la, vận động mạnh mẽ giúp ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
Mới đây, Tổng thống Donald Trump cũng đã bổ nhiệm người đứng đầu SpaceX làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ.
Chuyến bay với nhiều thử nghiệm
Nhiệm vụ của chuyến bay lần này nhằm nhiều mục đích hơn, không chỉ là việc đưa tầng đẩy Super Heavy trở về Trái Đất nguyên vẹn.
SpaceX cũng muốn đưa tầng trên của Starship - một tàu vũ trụ cao (50m) vào thử nghiệm.
Hệ thống đẩy Super Heavy lơ lửng trên Vịnh Mexico trong quá trình hạ cánh. (Ảnh: SpaceX).
Trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ sáu, lần đầu tiên tàu vũ trụ Starship mang theo tải trọng, đó là một quả chuối.
Ngoài ra, con tàu cũng sẽ được kiểm tra hoạt động, đó chính là kích hoạt 1 trong 6 động cơ Raptor sau 38 phút bay. Quá trình này sẽ giúp chứng minh rằng, con tàu có thể thực hiện các thao tác cần thiết để trở về Trái Đất sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tàu vũ trụ Starship được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn và nhanh chóng, giống như hệ thống đẩy Super Heavy.
SpaceX cũng đặt mục tiêu bắt tàu vũ trụ trở về Trái Đất bằng cánh tay robot trên bệ phóng (tương tự như hệ thống đẩy Super Heavy) trong tương lai gần.
Điều này sẽ giúp con tàu có thể sử dụng lại nhanh chóng, cho phép các kỹ sư kiểm tra, tân trang tàu vũ trụ ngay lập tức, thay vì hạ cánh trên tàu biển hay xuống bãi phóng.
Chuyến bay lần này cũng thử nghiệm những sửa đổi đối với tấm chắn nhiệt mới của tàu, giúp bảo vệ nó trong quá trình tái xâm nhập vào bầu khí quyển Trái Đất.
"Cuộc thử nghiệm bay sẽ đánh giá vật liệu bảo vệ nhiệt thứ cấp mới. Con tàu đã được lập trình để bay ở góc nghiêng có độ tấn công nhiệt cao hơn (khi trở lại bầu khí quyển) nhằm đạt tới giới hạn của cánh lái điều hướng.
Từ đó các kỹ sư sẽ thu thập dữ liệu về các cấu hình hạ cánh trong tương lai", SpaceX cho biết trong một tuyên bố sau khi buổi thử nghiệm thành công.
Tầng trên của tàu vũ trụ Starship trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ sáu vào ngày 19/11. (Ảnh: SpaceX).
SpaceX cũng thay đổi thời gian phóng cho chuyến bay để có thể quan sát tốt hơn quá trình tái nhập và hạ cánh của tàu. Chuyến bay lần thứ 5 (và cả bốn chuyến bay trước đó) cất cánh từ Texas vào buổi sáng, và tàu hạ cánh trong bóng tối đâu đó ngoài vũ trụ.
Tăng tốc độ bay
SpaceX đang phát triển tên lửa Starship để giúp nhân loại định cư trên Mặt Trăng và Sao Hỏa, đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ du hành vũ trụ khác, chẳng hạn như xây dựng chòm sao băng thông rộng Starlink trên quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO).
Cơ quan Vũ trụ Mỹ đã hợp tác với SpaceX để sử dụng Starship làm tàu đổ bộ có người lái đầu tiên cho chương trình thám hiểm mặt trăng Artemis.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Starship sẽ đưa các phi hành gia của NASA xuống mặt trăng lần đầu tiên vào cuối năm 2026, trong sứ mệnh Artemis 3.
Công ty vũ trụ của Elon Musk đang nỗ lực để đưa Starship vào hoạt động sớm nhất có thể, và các chuyến bay thử nghiệm là một phần quan trọng trong nỗ lực này.
Siêu tên lửa này hiện đã bay sáu lần và nhịp độ có thể sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần. Elon Musk đang nhắm đến mục tiêu phóng 25 tàu Starship vào năm 2025 và 100 tàu vào vài năm sau đó.
Những nhiệm vụ thử nghiệm này được thiết kế để mở đường cho những chuyến du ngoạn vũ trụ đầy tham vọng hơn.
"Mỗi chuyến bay là một bước tiến gần hơn đến một siêu tên lửa Starship hoạt động hoàn chỉnh, nó sẽ đưa chúng ta vượt ra khỏi quỹ đạo Trái Đất và với những thành công mới trong mỗi lần phóng, Mặt Trăng và Sao Hỏa không còn xa trong tương lai", Kate Tice, Giám đốc Kỹ thuật SpaceX cho biết.
Dự kiến, SpaceX sẽ gửi tàu vũ trụ Starship đến Sao Hỏa vào năm 2026./.
Ngày cập nhật: 20/11/2024
https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ten-lua-starship-lai-phong-vao-khong-gian-chinh-phuc-sao-hoa-khong-con-xa-20241120064249596.htm
- Starship sẽ thử triển khai vệ tinh trong chuyến bay sắp tới (20/01/2025)
- Blue Origin sẽ phóng tên lửa thách thức Starship của SpaceX (16/01/2025)
- Tàu NASA lập kỷ lục bay gần Mặt Trời nhất (06/01/2025)
- Tiếng nổ siêu thanh của tên lửa SpaceX gây lo ngại (03/01/2025)
- SpaceX chuẩn bị cho chuyến bay thứ 7 của tên lửa Starship (25/12/2024)
- Trung Quốc dự định dùng vật liệu tại chỗ để xây dựng căn cứ Mặt Trăng (16/12/2024)