Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2270
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Thu hồi dưỡng chất từ nước chế biến thủy sản (22/11/2018)

Nước từ ngành công nghiệp chế biến thủy sản chứa các chất dinh dưỡng có giá trị, có thể được sử dụng làm thực phẩm hoặc thức ăn nuôi trồng thủy sản. Nhưng hiện nay, nước chế biến thủy sản được xử lý như chất thải. Giờ đây, một dự án nghiên cứu của trường Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển cho thấy tiềm năng tái chế các chất dinh dưỡng này để đưa trở lại chuỗi thức ăn.

 

Chế biến thủy sản (hình ảnh minh họa)

 

Trong quá trình chế biến thức ăn cho cá trích, tôm và trai, khối lượng lớn nước chế biến liên tục được ngành công nghiệp thủy sản bơm ra dưới dạng chất thải. Nước được sử dụng khi đun sôi tôm hoặc trai hoặc khi filê, ướp muối và ướp nước cá trích. Khoảng 7000-8000 lít nước được sử dụng để chế biến ướp 1 tấn cá trích, trong khi cần 50.000 lít nước cần cho mỗi tấn tôm bóc vỏ hoặc cho 3 tấn tôm sống.

 

Tuy nhiên, các dòng nước này chứa protein, peptit, chất béo và vi chất dinh dưỡng, nên có thể được tái chế và sử dụng, ví dụ bởi ngành công nghiệp thực phẩm để làm thành phần thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi trồng vi tảo. Trên thực tế, nước đun sôi còn sót lại từ việc chế biến tôm về cơ bản là một nguồn cung cấp sẵn có.

 

Dự án nghiên cứu ở Bắc Âu có tên là Novaqua do GS. Ingrid Undeland tại Khoa Sinh học và Kỹ thuật sinh học thuộc trường Đại học Công nghệ Chalmers điều phối, hiện đã chứng minh tiềm năng chiết xuất các chất dinh dưỡng quan trọng này từ nước chế biến thủy sản.

 

Dự án này được khởi động vào năm 2015 với mục tiêu thu hồi các chất dinh dưỡng từ nước chế biến thủy sản và đưa ra những phương thức sử dụng theo hướng mới. Một phương pháp tương tự đã được thực hiện thành công trong ngành công nghiệp sữa, nơi nước sữa, chất lỏng còn lại từ hoạt động sản xuất pho mát, được sử dụng cho sản phẩm dinh dưỡng trong thể thao, cũng như trong nhiều loại thực phẩm khác.

 

Khi đo thành phần của nước thải chế biến thủy sản, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra chúng chứa đến 7% protein và 2,5% chất béo. Trong nước chế biến tôm, astaxanthin, một sắc tố đỏ và chất chống oxy hóa thường được sử dụng như thực phẩm bổ sung, cũng xuất hiện.

 

"Các tính toán của chúng tôi cho thấy trong một nhà máy chế biến cá trích, có đến 15% lượng protein từ cá trích lẫn vào nước thải và được xử lý như chất thải, qua đó, bị mất đi", Ingrid Undeland giải thích.

 

Sử dụng quy trình hai bước, nhóm nghiên cứu đã tìm cách thu hồi tới 98% protein và 99% chất béo giàu omega 3. Quá trình này tạo ra sinh khối một nửa là rắn và chất lỏng giàu chất dinh dưỡng. Sau khi khử nước, sinh khối từ nước sôi của tôm được chứng minh chứa 66% protein và 25% chất béo. Hai thử nghiệm đã được thực hiện cùng với trường Đại học Gothenburg và Skretting ARC thông qua sử dụng sinh khối mới như một thành phần trong thức ăn cho cá hồi và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

 

Chất lỏng chứa dinh dưỡng đã được sử dụng cho cá đông lạnh để bảo vệ cá khỏi bị ôi. Bên cạnh đó, chất lỏng này cũng được thử nghiệm làm chất nuôi cấy vi tảo và được chứng minh là tăng cường sự phát triển của hai loại tảo. Sinh khối tảo sau đó có thể được dùng làm nguồn protein hoặc chất nhuộm.

 

Nhìn chung, dự án nghiên cứu đã chỉ ra một số phương thức để tái chế các chất dinh dưỡng hiện đang bị thất thoát trong nước chế biến thủy sản. Bước tiếp theo là thực hiện thử nghiệm trong ngành công nghiệp thủy sản.

 

Ở Thụy Điển, nước chế biến thủy sản được lọc ở phạm vi nhất định trước khi được đưa ra khỏi các nhà máy. Điều này có nghĩa là nhiều đơn vị chế biến thủy sản đã trang bị công nghệ tuyển nổi cần cho bước thứ hai của hoạt động thái chế dòng thải. Nhưng cũng có những khoản đầu tư. Thách thức chính sẽ là các vấn đề liên quan đến chi phí.

 

Nghiên cứu hiện tiếp tục trong khuôn khổ dự án AquaStream mới, được tài trợ bởi Quỹ Hàng hải và Nghề cá châu Âu. Bita Forghani Targhi chỉ ra rằng một bước quan trọng tiếp theo sẽ bao gồm tư vấn các doanh nghiệp địa phương, phỏng vấn họ về các dòng thải và xác minh sự mất đi chất dinh dưỡng hiện tại thông qua mô tả đặc điểm chính của nước chế biến.

 

Nguồn: N.P.D (NASATI)/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 20/11/2018