Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 18650 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học nông nghiệp
Thử nghiệm kỹ thuật chỉnh sửa gen giúp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm lây lan (03/06/2019)
Mới đây, trong một nỗ lực ngăn chặn vi rút cúm gia cầm lây lan, các nhà khoa học đã áp dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gen trong quy mô phòng thí nghiệm.
Ảnh: CC0 Public Domain.
Phát hiện mới mang lại hy vọng cho khả năng sản sinh ra những con gà thế hệ sau được thừa hưởng bộ gen đã được chỉnh sửa và có khả năng miễn nhiễm với căn bệnh nguy hiểm này.
Trong thử nghiệm trên các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Hoàng gia Luân Đôn, Anh đã ngăn chặn thành công sự phát triển và lây lan của vi rút cúm bằng cách loại bỏ một đoạn ADN của gà. Bên cạnh đó, nhóm cho biết bước tiếp theo cần thực hiện là nỗ lực sản sinh ra thế hệ gà mang gen chuyển.
Các nhà khoa học đã nhắm mục tiêu một phân tử cụ thể bên trong các tế bào có tên gọi là ANP32A. Họ phát hiện ra rằng trong quá trình lây nhiễm, các vi rút cúm chiếm quyền điều khiển phân tử này để tự nhân bản.
Trong quá trình hợp tác với các chuyên gia từ Viện Roslin của trường Đại học Edinburgh, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen để loại bỏ đoạn ADN chịu trách nhiệm sản xuất gen ANP32A có khả năng mã hóa một loại protein mà tất cả các vi rút cúm phụ thuộc vào để lây nhiễm ký chủ.
Thử nghiệm cho thấy nếu thiếu gen giúp mã hóa protein trên, vi rút không có khả năng phát triển và sinh sôi bên trong các tế bào đã được biến đổi, nhờ đó, gà sẽ miễn nhiễm với bệnh cúm.
Trên thực tế, cúm gia cầm được coi là mối lo ngại lớn nhất đối với các loài gia cầm, trong đó có gà nuôi trên toàn thế giới. Ở các loài gia cầm, đặc biệt là gà, các chủng của vi rút cúm gà nguy hiểm có thể xâm nhiễm và tấn công cơ thể, gây tử vong, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 100%. Trong vài trường hợp, một số biến thể của vi rút có thể lây nhiễm cho người và gây tử vong. Do đó, những nỗ lực nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch này là vô cùng cần thiết.
Trước đó, một nghiên cứu hợp tác giữa các chuyên gia từ Viện Roslin và trường Đại học Cambridge bằng cách sử dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gen, đã được thực hiện nhằm sản sinh những cá thể gà tuy nhiễm bệnh nhưng không truyền vi rút cúm sang những con gà khỏa mạnh khác. Phương pháp tiếp cận mới của các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia Luân Đôn lại khác vì nó không liên quan đến việc đưa vật liệu di truyền mới vào ADN của chim.
Nghiên cứu nhận được tài trợ chiến lược bởi Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Sinh học và Công nghệ Sinh học - đơn vị trước đây cũng đã tài trợ cho Viện Roslin. Ngoài ra, tài trợ cho sinh viên bậc tiến sĩ được cung cấp bởi công ty nghiên cứu gia cầm toàn cầu Cobb-Vantress.
Tiến sĩ Mike McGrew, thuộc Viện Roslin của Đại học Edinburgh, cho biết: "Đây là một tiến bộ quan trọng cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gen để tạo ra thế hệ gà mới có khả năng kháng cúm gia cầm. Hiện tại, chúng tôi chưa áp dụng kỹ thuật mới lên loài chim vì chúng tôi cần kiểm tra xem liệu sự biến đổi ADN có bất kỳ tác động nào khác lên các tế bào trong cơ thể chim hay không trước khi thực hiện bước tiếp theo này".
Giáo sư Wendy Barclay - Chủ tịch Viện Vi rút cúm tại Trường Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết: "Từ lâu, chúng ta đã biết rằng gà chính là ổ chứa tự nhiên của vi rút cúm, nguyên nhân gây bùng phát đại dịch. Nghiên cứu của chúng tôi đã xác định được rằng biến dị di truyền (sự biến đổi về mặt di truyền) nhỏ nhất có thể giúp sản sinh ra những cá thể gà có khả năng miễn nhiễm với bệnh cúm, từ đó, góp phần ngăn chặn hiểm họa đại dịch cúm tiếp theo bùng phát".
Rachel Hawken, Giám đốc cấp cao về Di truyền học và Di truyền định lượng tại Cobb-Vantress, cho biết: “Đối với lĩnh vực sản xuất gà thịt, nghiên cứu về khả năng kháng cúm gia cầm có ý nghĩa toàn cầu và phát hiện mới được coi là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu đó. Hơn nữa, việc khám phá và phát triển các công nghệ mới có tiềm năng được sử dụng để thúc đẩy chăn nuôi gia cầm trong tương lai thật thú vị".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí eLife.
Nguồn: P.K.L (NASATI)/www.vista.gov.vn
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao (18/11/2024)
- Phân bón lá Nano - REM: kết hợp giữa công nghệ nano và nông nghiệp hữu cơ (12/11/2024)
- Nghiên cứu công nghệ sản xuất naringin và tinh dầu từ vỏ quả bưởi và xây dựng mô... (05/11/2024)
- Chọn tạo giống đậu xanh mới: Kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao (30/10/2024)
- Ia H’Drai (Kon Tum): Hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi hươu sao (21/10/2024)
- Mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất cao (15/10/2024)