Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 8676 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 (09/04/2020)
Bộ phận báo chí của Cơ quan Y-Sinh Liên bang Nga (FMBA) thông báo nước này đã bắt đầu quy trình thử nghiệm lâm sàng so sánh các loại thuốc Mefloquine, Hydroxychloroquine và Kalidavir dùng để điều trị cho bệnh nhân bị mắc COVID-19.
Vaccine dạng miếng dán của Mỹ. Ảnh: Sciencealert
Trước đó, FMBA đã đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh viêm phổi cấp tính thể nặng do SARS-CoV-2 dựa trên thuốc Dalargin và bắt đầu nghiên cứu lâm sàng. FMBA đã xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh viêm phổi cấp tính thể nặng do SARS-CoV-2 kèm theo suy hô hấp dựa trên cơ sở sử dụng delta-opioid, hexapeptide tổng hợp Dalargin. Thuốc Dalargin đã được đăng ký ở Nga, là loại thuốc chữa lành vết loét bảo vệ các cơ quan và mô-phổi, gan, tuyến tụy.
Trong một diễn biến khác, ngày 7/4, giới chức khoa học Hàn Quốc thông báo vừa điều trị thành công 2 ca mắc COVID-19 bằng huyết tương của người phục hồi, mở ra hy vọng cho việc điều trị.
Theo đó, 2 bệnh nhân cao tuổi của Hàn Quốc, một người 71 tuổi và một người 67 tuổi, đã không còn ở tình trạng viêm phổi cấp sau khi được điều trị bằng huyết tương của những người bình phục.
Các nhà khoa học đã chỉ ra lợi ích tiềm năng của huyết tương khi chúng phát triển kháng thể chống lại virus. Nhà nghiên cứu Choi Jun-yong, bác sĩ tại Viện Severance ở Seoul, nơi điều trị cho 2 bệnh nhân trên, cho biết liệu pháp huyết tương có thể trở thành phương pháp điều trị thay thế cho những bệnh nhân nguy kịch không thích ứng với các loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên, theo bác sĩ trên, vẫn cần tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn để chứng minh thêm về tính hiệu quả của huyết tương.
Trung Quốc sáng chế khẩu trang graphene
Tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay Aero Engine của Trung Quốc (AECC) ngày 7/4 thông báo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật liệu hàng không của AECC đã phát triển thành công một loại khẩu trang mới có màng lọc chính được làm từ graphene.
Graphene là vật liệu làm từ carbon nguyên chất có độ dày chỉ tương đương một nguyên tử, nhưng lại cứng hơn thép 200 lần.
Theo AECC, các nhà nghiên cứu đã đưa chất liệu graphene-polypropylen (polypropylen là nhựa polyme cộng nhiệt dẻo) lên vải không dệt melt-blown (vải có khả năng lọc khí, lọc vi khuẩn, bụi bẩn và không thấm nước) để tạo thành lớp lọc chính của khẩu trang.
Khi được ứng dụng vật liệu graphene, khẩu trang sẽ có đặc tính kháng khuẩn mạnh hơn và tăng độ bền. Ngoài ra, loại khẩu trang mới này cũng tận dụng hiệu ứng dao nano (nanoknife) của graphene để phá hủy thành tế bào của vi khuẩn.
So với loại vải không dệt được sử dụng trong các loại khẩu trang hiện hành, lớp lọc graphene-polypropylen cũng giúp người sử dụng hít thở dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, loại khẩu trang mới này có thời gian sử dụng hơn 48 giờ, lâu hơn nhiều so với các mẫu khẩu trang thông thường.
Mỹ chế tạo vaccine dạng miếng dán ngừa virus SARS-CoV-2
Các chuyên gia từ Đại học Y khoa Pittsburgh (Mỹ) vừa công bố thử nghiệm thành công loại vaccine mới ngừa SARS-CoV-2. Vaccine dựa trên cơ sở kháng nguyên virus được truyền vào da với sự hỗ trợ của các vi kim (microneedle) trải trên bề mặt của miếng dán có kích thước bằng đầu ngón tay.
Miếng dán này có chứa 400 vi kim từ đường và protein hòa tan toàn phần mà không để lại bất kỳ dấu vết dư lượng.
Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy, sau quá trình cung cấp vaccine ở động vật diễn ra qua 2 tuần, các kháng thể đặc hiệu cho SARS-CoV-2 được sản sinh với số lượng được cho là đủ để vô hiệu hóa virus này.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, các miếng dán như vậy có thể nhanh chóng được sản xuất ở quy mô công nghiệp mà không cần phải giữ lạnh trong quá trình bảo quản hoặc vận chuyển. Đây là ưu thế lớn so với dạng thức truyền thống của vaccine.
Không giống như vaccine mRNA đang được thử nghiệm ở các nước khác nhau, loại vaccine miếng dán này có tên là PittCoVacc (Pittsburgh Coronavirus vaccine), hoạt động giống như mũi tiêm ngừa cúm: Bằng cách đưa các mẩu protein của bản thân virus chiết xuất trong phòng thí nghiệm vào cơ thể vật chủ.
Sử dụng máy in 3D để làm đồ bảo hộ cá nhân
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 6/4 cho biết có thể sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra một số thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).
Tuy nhiên, FDA cũng lưu ý về việc có một số trở ngại kỹ thuật nếu sử dụng cách thức này.
Theo FDA, các thiết bị bảo vệ cá nhân có thể được tạo ra từ máy in 3D gồm quần áo bảo hộ, găng tay, tấm chắn bảo vệ mặt, kính bảo hộ, khẩu trang và một số vật tư có chức năng ngăn chặn tổn thương hoặc lây nhiễm virus.
Tuy nhiên, FDA thừa nhận mặc dù máy in 3D có thể tạo ra một số PPE nhất định song vẫn còn tồn tại những thách thức về mặt kỹ thuật cần phải được khắc phục nếu muốn tạo ra các sản phẩm đủ hiệu quả.
Theo cơ quan trên, PPE từ máy in 3D có thể tạo ra lớp bảo vệ mang tính vật lý song không thể là hàng rào bảo vệ lọc không khí và chất lỏng có hiệu quả giống như khẩu trang dùng cho phẫu thuật và khẩu trang N95 được FDA cấp phép.
Nguồn: Vũ Phong/Báo Chính phủ
Cập nhật: 08/4/2020
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)