Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5306
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ về doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ: Thúc đẩy hình thành doanh nghiệp và thị trường Khoa học và Công nghệ (24/08/2012)

Làm thế nào thúc đẩy sự hình thành và phát triển doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) theo tinh thần Nghị định 80 của Chính phủ và Thông tư liên bộ KH&CN, Tài chính và Nội vụ nhằm phát huy sức mạnh KH&CN trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là chủ đề của hội thảo do Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị (Sở KH&CN) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) vừa tổ chức tại Hải Phòng.

Công ty CP Sơn Hải Phòng là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong nghiên cứu, ứng dựng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Văn Diễn, Nghị định 80 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN được ban hành năm 2007, với nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện tối đa cho tổ chức KH&CN tiến tới thành lập doanh nghiệp KH&CN. Đó là thuận lợi trong đăng ký và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế. Cụ thể, các doanh nghiệp KH&CN được hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khấu trừ một số khoản chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế và miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trong trường hợp doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN, năm thứ nhất đạt ít nhất là 30% tổng doanh thu, năm thứ 2 đạt ít nhất 50% tổng doanh thu và từ năm thứ 3 trở đi đạt ít nhất 70% tổng doanh thu của doanh nghiệp KHCN.

Tuy nhiên, gần 5 năm qua, số đơn vị KHCN trên địa bàn Hải Phòng tiếp cận chính sách mới này không nhiều. Vì vậy, nhiều tổ chức KHCN dự hội thảo đề nghị được lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN thông tin sâu hơn về chính sách này. Câu hỏi của đại diện Công ty cổ phần cơ khí Thanh Phúc (quận Kiến An) “Thế nào là sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN? Khi đơn vị mua dây chuyền để sản xuất sản phẩm gạch không nung thì có được coi là sản phẩm của doanh nghiệp KHCN?” được Cục trưởng Phạm Văn Diễn giải đáp cụ thể. Với những đơn vị mua dây chuyền về sản xuất ra các sản phẩm, sản phẩm đó không phải là sản phẩm của doanh nghiệp KHCN. Với những doanh nghiệp mua dây chuyền về sản xuất, nhưng trong quá trình đó có nhiều sáng kiến đổi mới dây chuyền, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm đó được coi là sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN đó đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ, đề nghị được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Hoặc những sản phẩm được đăng ký kiểu dáng công nghiệp, được trao thưởng VIFOTEC, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, nay được ứng dụng vào sản xuất sẽ được coi là sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN.

Liên quan đến vấn đề điều kiện thành lập doanh nghiệp KH&CN, Cục trưởng Phạm Văn Diễn cho biết, điều kiện cần là doanh nghiệp có trụ sở, có biên chế (nhân lực KHCN), đăng ký sản xuất sản phẩm cụ thể. Việc đăng ký đề nghị cấp phép với các sở chủ quản tại địa phương không phải là “thủ tục con” mà là tạo điều kiện để tăng cường công tác quản lý nhà nước, cũng như sở chuyên ngành địa phương có điều kiện tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Phó giám đốc Sở KH&CN Lê Thị Tố Uyên,  nhu cầu của các đơn vị, tổ chức KH&CN hướng đến hình thành doanh nghiệp KH&CN, tạo thành thị trường KH&CN, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là chính đáng. Song điều kiện cần và đủ là tổ chức, đơn vị KH&CN tổ chức nghiên cứu, ứng dụng sản xuất ra sản phẩm KH&CN cụ thể. Việc đăng ký chất lượng sản phẩm do các đơn vị chủ động, đăng ký tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở. Với những đơn vị, tổ chức KH&CN bảo đảm cả điều kiện cần và đủ, Sở KH&CN thẩm định, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN theo quy định. Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 10 doanh nghiệp KHCN mà tiêu biểu là Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng. Doanh nghiệp này có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cấp bộ, cấp thành phố được ứng dụng vào cuộc sống.

Tuy nhiên, có thực tế là đa số tổ chức, đơn vị KH&CN có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động chưa thực sự rõ nét, sản phẩm KH&CN chưa đa dạng, chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống. Vì vậy, số đơn vị, tổ chức KH&CN đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN không nhiều.

Để thúc đẩy việc thành lập và phát triển doanh nghiệp KH&CN cần phát huy vai trò của Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trong việc tổ chức giới thiệu, quảng bá những công nghệ mới, sản phẩm sản xuất thử nghiệm, đồng thời kết nối đến các doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước chủ động tìm kiếm, tư vấn, hỗ trợ đơn vị, tổ chức sớm hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Nguồn: Báo Hải Phòng