Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 18151
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hải Phòng (11/10/2019)

Sáng 10/10/2019, tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam diễn ra hội thảo “Thực trạng rác thải nhựa, giải pháp trong quản lý, thu gom và xử lý đối với rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2019”. Đây là hội thảo do do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng tổ chức.

Theo báo cáo tại hội thảo, trung bình mỗi ngày, toàn thành phố thải ra 1.700 tấn rác. Trong đó, rác thải nhựa và túi nilon chiếm 10%, tương đương 170 tấn. Việc xử lý rác thải nhựa gặp nhiều khó khăn phần lớn là do ý thức người dân chưa thực hiện phân loại rác từ đầu nguồn (hiện chỉ có một số phường tại hai quận Lê Chân và Hồng Bàng thực hiện thí điểm phân loại rác), hệ thống hạ tầng thu gom, công nghệ xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Rác thải nhựa được xử lý theo 04 cách: đốt ở nhiệt độ dưới 1000° C; tái chế một phần; chôn lấp và vứt bừa bãi ra ngoài môi trường. Các cách xử lý trên đều gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia của Chi cục Bảo vệ môi trường, Viện Môi trường (trường Đại học Hàng Hải) cùng đề xuất một số giải pháp gồm: Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong hạn chế và tiến tới loại bỏ sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần; Nâng cao năng lực thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phát thải; Áp dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải nhựa; Sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa; Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích hoặc xử lý tổ chức, cá nhân lạm dụng đồ nhựa, túi nilon sử dụng một lần…

Cũng tại hội thảo, đại diện Hợp tác xã Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh hướng dẫn các đại biểu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, rác thải sinh hoạt trước khi đưa đi xử lý cần phân loại ngay tại hộ gia đình gồm rác hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, rau, vỏ trái cây…); rác tái chế được (giấy, bìa các-tông, kim loại…), rác thải độc hại (pin, bình xịt, ắc quy, chất tẩy rửa...). Đối với rác hữu cơ có thể ủ làm phân bón vừa có thể tận dụng được rác thải sinh hoạt vừa làm giảm lượng rác thải ra môi trường, cung cấp thêm các chất hữu cơ bổ dưỡng nhằm tăng thêm độ màu mỡ, phì nhiêu của đất...

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cả nước chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Hải Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường; vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng hạn chế dùng sản phẩm nhựa và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ năm 2020.

Nguyễn Trường