Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 17069 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Tin KH & CN Hải Phòng
Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công hệ thống quản lý nước dằn tàu (06/12/2016)
Để duy trì trạng thái ổn định, cân bằng và độ bền cấu trúc khi tàu hoạt động ở chế độ không có hoặc ít hàng hóa, nước dằn tàu là yếu tố đặc biệt quan trọng. Nước dằn tàu được bơm vào khoang chứa khi dỡ hàng hóa tại cảng dỡ hàng và bơm ra khi chất hàng hóa tại một cảng khác. Tuy nhiên, sự di chuyển nước dằn tàu từ vùng biển này sang vùng biển khác làm cho các loài thủy sinh khác nhau thâm nhập vào môi trường mới, làm phá vỡ nghiêm trọng cân bằng sinh thái tự nhiên và môi trường biển. Thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 12 tỷ tấn nước dằn tàu được sử dụng trên các tàu, cùng với khoảng 7.000 vi sinh vật, thực vật khác nhau có trong nước biển được luân chuyển đến các nơi trên toàn cầu, thiệt hại do sinh vật ngoại lai gây ra trong quá trình luân chuyển nước dằn tàu ước tính khoảng 10 tỷ USD.
Để trang bị hệ thống quản lý nước dằn tàu cho các tàu biển ở Việt Nam, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hệ thống quản lý nước dằn tàu”. Đề tài do TS. Đào Minh Quân làm chủ nhiệm.
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Hàng Hải đề xuất giải pháp công nghệ cho hệ thống quản lý nước dằn tàu trong nước gồm 02 giai đoạn: lọc sơ cấp để tăng hiệu quả cho xử lý bằng tia cực tím (UV) và xử lý nước dằn tàu bằng tia UV theo tiêu chuẩn D2 của Tổ chức Hàng Hải quốc tế (IMO). Hệ thống sử dụng tia cực tím có kích thước nhỏ gọn nhất, có thể lắp đặt được trên các tàu vừa và nhỏ ở nước ta, nhất là với các tàu cũ. Đồng thời, diệt khuẩn bằng tia UV là phương pháp vật lý, không sử dụng hóa chất, vì vậy không gây tồn dư hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, và có giá thành rẻ hơn so với một số công nghệ diệt khuẩn bằng phương pháp vật lý khác.
Nhóm tác giả cũng nghiên cứu tính toán thiết kế hệ thống quản lý nước dằn tàu có dung lượng xử lý 50 m3/giờ nhằm phù hợp với trọng tải và dung tích của các tàu biển chạy quốc tế của Việt Nam hiện nay, gồm: xây dựng cấu hình cho hệ thống quản lý nước dằn tàu; nghiên cứu tính toán, lựa chọn bộ lọc; tính toán, lựa chọn lò UV; nghiên cứu thiết kế khối điều khiển và giám sát cho các modul; thiết kế cơ khí cho hệ thống quản lý nước dằn; nghiên cứu thuật toán và lập trình điều khiển đồng bộ hệ thống quản lý nước dằn tàu trong các chế độ vận hành khác nhau.
Các kết quả đạt được trong việc nghiên cứu tính toán thiết kế hệ thống là cơ sở, tiền đề cho việc nghiên cứu chế tạo hệ thống quản lý nước dằn tàu với các công đoạn: gia công, chế tạo hệ thống đường ống; gia công, chế tạo panel điều khiển và giám sát, phục vụ cho việc thử nghiệm chức năng của hệ thống trong phòng thí nghiệm và khảo sát, lắp đặt, thử nghiệm hệ thống trên tàu. Hệ thống đã được lắp đặt và thử nghiệm trên tàu Thái Bình 02 của Công ty vận tải biển Hoa Ngọc Lan (Quảng Ninh). Kết quả cho thấy các chỉ tiêu yêu cầu đều đáp ứng theo tiêu chuẩn của IMO.
Kết quả nghiên cứu đề tài được Hội đồng KH&CN cấp thành phố đánh giá xếp loại xuất sắc vào sáng 2/12/2016 bởi khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn, giúp gia tăng tỷ lệ tự động hóa trong ngành hàng hải. Nếu được quan tâm đầu tư, mở rộng, có thể tiến tới việc thương mại hóa sản phẩm trong tương lai.
Thu Nga
- Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và khả năng sinh trưởng loài hải miên tại Hải Phòng (30/06/2025)
- Nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm chứa anthraquinone từ cốt khí củ (Polygonum cuspidatum)... (30/06/2025)
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình tách chiết Embelin từ cây sú sử dụng trong công nghiệp... (30/06/2025)
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp... (30/06/2025)
- Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ: Tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 (24/06/2025)
- Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thông suốt sau hợp nhất (24/06/2025)