Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 50128
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Truyền thông khoa học ở Australia (27/09/2013)

Từ khi Chính phủ Australia đầu tư thành lập các trung tâm truyền thông và đặt ra chiến lược truyền thông quốc gia về KHCN, nước này đã có nhiều chương trình truyền thông KHCN quy mô quốc gia, với mạng lưới nhân lực, đội ngũ tình nguyện viên hùng hậu, mỗi năm tổ chức hàng nghìn sự kiện thu hút hàng triệu người tham gia.

Khơi dậy đam mê khoa học

Chính phủ Australia đặc biệt coi trọng phát triển KHCN, vì thế truyền thông KHCN là hoạt động không thể thiếu trong chiến lược phát triển KHCN quốc gia. Australia đã liên tục đầu tư cho các chương trình truyền thông KHCN từ năm 1988 khi đưa ra Chương trình nâng cao nhận thức về KHCN, Chiến lược quốc gia nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo (năm 2001), Chương trình Kết nối Khoa học (năm 2010). Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của các chương trình này là hoạt động dàn trải, thiếu tính kết nối.

Thành công của truyền thông khoa học Australia là huy động được đội ngũ các tình nguyện viên.

Để tiếp nối và khắc phục những hạn chế của các chương trình truyền thông đã có, sáng kiến “Khơi dậy Australia” - chiến lược quốc gia về truyền thông KHCN ra đời với mục tiêu xuyên suốt là khơi dậy mối quan tâm, niềm đam mê KHCN của công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên, xây dựng một xã hội có tinh thần khoa học, đưa khoa học trở thành một văn hóa lớn; tăng cường hoạt động truyền thông tới các tổ chức KHCN, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; hướng đến hình thành một xã hội đổi mới sáng tạo với niềm tin và hiểu biết về KHCN.

Sáng kiến “Khơi dậy Australia” gồm các yếu tố cốt lõi như vai trò lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược, chương trình hành động với mục đích cải thiện hoạt động truyền thông qua các đầu mối từ cấp Chính phủ đến địa phương. Họ đóng vai trò then chốt giúp hoàn thiện chiến lược cấp quốc gia và địa phương, đẩy mạnh mạng lưới truyền thông KHCN tại các tiểu bang, xây dựng quan hệ đối tác, thiết lập các sự kiện.

Chương trình đã đưa ra 15 yếu tố hỗ trợ cho hoạt động truyền thông, đó là: (1) đưa ra sáng kiến mới; (2) hình thành một quốc gia gắn kết với KHCN, khuyến khích thanh niên theo đuổi sự nghiệp KHCN; (3) vai trò lãnh đạo của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự cộng tác, đầu tư của các cơ quan khác với các cơ quan KHCN, sự kiện KHCN; (4) nhất quán các hành động thông qua hội nghị thượng đỉnh về hoạt động truyền thông KHCN; (5) khơi dậy niềm tự hào về thành tựu quốc gia qua việc tặng thưởng những người có thành tích về KHCN; (6) quảng bá thành tựu KHCN của quốc gia; (7) tổ chức diễn đàn cấp quốc gia về khoa học và xã hội; (8) đưa ra nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng, tổ chức hiệu quả Tuần lễ Khoa học quốc gia; (9) xây dựng mạng lưới KHCN quốc gia; (10) đẩy mạnh vai trò thông tin đại chúng; (11) nâng cao nhận thức của thanh niên về các cơ hội trong hoạt động KHCN, khuyến khích nhà khoa học trẻ, sinh viên tiếp tục nghiên cứu, đam mê, mong muốn thành công trong sự nghiệp KHCN; (12) đưa KHCN đến với vùng sâu, vùng xa…; (13) tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tham gia hoạt động truyền thông KHCN ở trung ương và địa phương; (14) sử dụng phương tiện thông tin đại chúng mới: website, công nghệ số, băng thông rộng…; (15) Sáng kiến “Khơi dậy Australia” sẽ hỗ trợ một chương trình nghiên cứu gắn kết KHCN với cộng đồng. Đây sẽ là nền tảng cơ sở để nghiên cứu đa dạng hơn, tổng kết, đánh giá các hoạt động, thông báo về các quyết định đầu tư sắp tới của Chính phủ, cơ quan đối tác và cơ quan liên quan.

Không lâu sau khi chiến lược này được triển khai, Australia đã có mạng lưới lãnh đạo và cán bộ hoạt động truyền thông KHCN hùng hậu; kết nối nhiều bộ phận, cá nhân, tổ chức trước đây từng hoạt động lỏng lẻo ở các khu vực khác nhau. Mô hình “trung tâm và đầu mối” của chiến lược (các trung tâm truyền thông khoa học phối hợp với đầu mối truyền thông tại mỗi địa phương, đơn vị) đã trở thành mô hình điển hình, được thử nghiệm, kiểm chứng với các sáng kiến khác ở cấp liên bang.

Thu hút công chúng từ các chương trình khoa học cộng đồng

Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KHCN, Australia đã xây dựng các trung tâm truyền thông để nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông, chủ động kết nối với giới truyền thông, trong đó Trung tâm KH- CN Quốc gia (Questacon) thuộc Bộ Giáo dục, Khoa học, Sáng chế và Ngành nghề Australia là đầu mối.

GS Graham Durant A.M, Vụ trưởng - Giám đốc Questacon cho biết, các hoạt động truyền thông khoa học đang diễn ra tại Australia rất phong phú, trải đều và rộng khắp, ví như: đào tạo về truyền thông cho các nhà khoa học, xây dựng bảo tàng khoa học; trao giải thưởng của Thủ tướng về khoa học; duy trì Quỹ khai mở tiềm năng Australia hỗ trợ các sáng kiến KHCN; tổ chức Tuần lễ Khoa học quốc gia; Gánh xiếc khoa học; hình thành các cơ quan để nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu và có thể trưng bày, giới thiệu công trình nghiên cứu khoa học của mình với công chúng; tổ chức hội thảo để giáo viên tham gia, nắm được phương pháp và kiến thức dạy các môn khoa học một cách sáng tạo, thú vị nhất;… Tất cả các hoạt động đều tập trung hướng đến mục tiêu chủ yếu của Sáng kiến Khơi dậy Australia - đưa khoa học trở thành một văn hóa lớn.

Trong số các sự kiện nói trên, Tuần lễ Khoa học quốc gia được coi là hoạt động trọng tâm của Chiến lược quốc gia về truyền thông KHCN. Các hoạt động của Tuần lễ Khoa học quốc gia bao gồm: giờ giảng trên giảng đường nói về vấn đề một khoa học; tiết mục khoa học ở nhà hát; hội nghị gia đình khoa học; tìm hiểu thềm lục địa thông qua internet; Liên hoan điệu nhảy khoa học (Danscience Festival); tổ chức Ngày Tự do (Open Day) để mọi người đến tham quan, khám bệnh miễn phí tại cơ quan y tế…

Cùng với đó, theo GS Graham Durant, Australia còn thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông khoa học tại các trung tâm khoa học, bảo tàng thông qua các buổi trưng bày, triển lãm. Đặc biệt ấn tượng là chương trình lưu động Science Circus (Gánh xiếc khoa học). Đó là một trung tâm khoa học lưu động với khoảng 50 đồ trưng bày siêu gọn nhẹ, một quầy bán hàng nhỏ cùng các buổi trình diễn khoa học, hội thảo trực tuyến, được gói gọn trong một chiếc xe tải lớn, màu sắc tươi vui, đi đến khắp các trường học, vùng xa xôi hẻo lánh, để các cộng đồng có được những trải nghiệm KHCN thú vị.

Truyền thông KHCN là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Nhìn lại thực trạng hiện nay cũng như kinh nghiệm của các nước đi trước, thiết nghĩ, Việt Nam cũng cần sớm có chiến lược phát triển truyền thông KHCN quốc gia mạnh mẽ, hình thành, triển khai rộng khắp các chương trình khoa học cộng đồng nhằm gắn kết KHCN với công chúng, hướng tới xây dựng một xã hội có tinh thần khoa học, đưa khoa học trở thành một văn hóa. Muốn vậy, phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của tất cả các thành phần trong xã hội về KHCN và cần sự tham gia tích cực hơn vào các hoạt động KHCN, truyền thông KHCN của cả cộng đồng.

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân