Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 63947
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

UNICEF: 1/3 trẻ em thế giới bị nhiễm độc chì (31/07/2020)

Nhiễm độc chì đang ảnh hưởng đến trẻ em ở quy mô lớn và chưa từng được biết đến, theo một báo cáo mới được UNICEF và tổ chức Pure Earth công bố.

Báo cáo của UNICEF và Pure Earth cho thấy việc tái chế pin axit chì không đạt tiêu chuẩn là tác nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ em sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Đây là báo cáo đầu tiên về nhiễm độc chì ở trẻ em. Báo cáo cho biết gần một trong 3 trẻ em, tức là khoảng 800 triệu trẻ em trên toàn thế giới có mức chì trong máu bằng hoặc trên 5 microgam /deciliter (µg/dL), đây là mức độ cần phải có các hành động can thiệp. Gần một nửa số trẻ em này sống ở Nam Á.

“Với một vài triệu chứng ban đầu, chì âm thầm tàn phá sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, hậu quả có thể dẫn tới tử vong” bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết. “Hiểu được mức độ ô nhiễm chì lan rộng như thế nào cũng như tác hại của chì đối cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng có thể giúp thúc đẩy các hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em”.

Với tiêu đề “Sự thật độc hại: Trẻ em tiếp xúc với ô nhiễm chì làm suy yếu một thế hệ tiềm năng”, báo cáo là một phân tích về phơi nhiễm chì ở trẻ em được thực hiện bởi Viện Đánh giá số liệu y tế (IHME) và được xác minh bằng một nghiên cứu được phê duyệt để công bố trên tạp chí Viễn cảnh Sức khỏe Môi trường.

Báo cáo chỉ ra rằng chì là một chất độc thần kinh mạnh gây ra tác hại không thể khắc phục đối với não của trẻ em. Chì đặc biệt tàn phá đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới năm tuổi vì chì gây tổn hại cho bộ não của trẻ trước khi trẻ có cơ hội phát triển đầy đủ, khiến trẻ bị suy giảm hệ thần thần kinh, nhận thức và thể chất suốt đời.

Theo báo cáo, phơi nhiễm chì ở trẻ em cũng liên quan đến sức khỏe tâm thần, các vấn đề hành vi, gia tăng tội phạm và bạo lực. Trẻ lớn hơn thì gánh chịu các hậu quả nghiêm trọng như tăng nguy cơ tổn thương thận và các bệnh tim mạch trong cuộc sống tương lai.

Phơi nhiễm chì ở trẻ em ước tính sẽ làm thiệt hại gần 1.000 tỷ USD của các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình do những tiềm năng kinh tế bị mất trong suốt cuộc đời những trẻ em bị nhiễm chì.

Báo cáo lưu ý rằng việc tái chế pin axit chì không chính thức và không đạt tiêu chuẩn là tác nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi số lượng phương tiện đi lại đã tăng gấp ba kể từ năm 2000. Số lượng phương tiện đi lại tăng lên cùng với việc thiếu quy định và cơ sở hạ tầng tái chế ắc quy xe đã dẫn đến 50% ắc quy axit chì được tái chế không an toàn trong nền kinh tế phi chính thức.

Khi tiến hành các hoạt động tái chế nguy hiểm và thường là bất hợp pháp, công nhân phá vỡ các vỏ pin/ắc-quy, đổ axit và bụi chì ra đất và đốt cháy chì trong các lò nung ngoài trời, thải ra khói độc hại cho cộng đồng xung quanh. Thông thường, các công nhân và cộng đồng bị phơi nhiễm không biết rằng chì là chất độc thần kinh mạnh.

Các nguồn tiếp xúc với chì khác ở trẻ em bao gồm chì trong nước từ việc sử dụng ống dẫn nước có chì; chì từ ngành công nghiệp đang hoạt động như khai thác và tái chế pin; sơn và bột màu có chì; xăng pha chì đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây nhưng trước đó là một nguồn lây nhiễm chính; hàn chì trong thực phẩm đóng hộp và chì có trong gia vị, mỹ phẩm, thuốc bổ, đồ chơi và các sản phẩm tiêu dùng khác. Cha mẹ làm việc liên quan chì thường mang bụi bẩn về nhà trên quần áo, tóc, tay và giày, do đó vô tình khiến con cái họ bị nhiễm độc tố.

“Tin tốt là chì có thể được tái chế một cách an toàn mà không gây nguy hại cho công nhân, con cái họ và các khu vực lân cận. Các vị khu vực bị nhiễm chì có thể được khắc phục và phục hồi”, ông Richard Fuller, Chủ tịch của Pure Earth cho biết. “Có thể nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của chì và giúp họ có khả năng bảo vệ chính bản thân và con em mình, đây là sự đầu tư mang lại lợi ích lớn: Sức khỏe được cải thiện, năng suất tăng, IQ cao hơn, ít bạo lực hơn và tương lai tươi sáng hơn cho hàng triệu trẻ em trên khắp hành tinh”.

Mặc dù nồng độ chì trong máu đã giảm đáng kể ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao kể từ khi chấm dứt sử dụng xăng pha chì và hầu hết các loại sơn có chì nhưng mức độ chì trong máu của trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn tăng và trong nhiều trường hợp, tăng cao tới mức nguy hiểm, ngay cả một thập kỷ sau khi chấm dứt xử dụng xăng pha chì trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn: H.Phương/baochinhphu.vn

Ngày cập nhật: 31/7/2020

                                                                         http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/UNICEF-13-tre-em-the-gioi-bi-nhiem-doc-chi/402578.vgp