Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 21014
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp (09/08/2013)

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) đang mang lại hiệu quả rất khả quan, giúp cải thiện đáng kể môi trường sống và đem lại cơ hội cho người dân nông thôn phát triển kinh tế. Mô hình này là kết quả của một dự án ứng dụng khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng.

Đoàn khảo sát Sở KH&CN kiểm tra chất lượng nấm rơm trồng từ giá thể sử dụng chế phẩm sinh học

Theo thống kê của UBND xã Ngũ Phúc, hàng năm, toàn xã có khoảng 4.400 tấn rơm rạ sau 2 vụ thu hoạch lúa. 90% lượng rơm rạ này được bà con đốt bỏ, xả bừa bãi khắp đồng ruộng, kênh mương, đường giao thông nội đồng… gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên. Bên cạnh đó, lượng rác thải sinh hoạt trong toàn xã thải ra từ 8 – 10 tấn/ngày. Xã có 5 bãi rác và 7 xe thu gom nhưng trước đây chưa có biện pháp xử lý khử mùi hôi thối trong quá trình thu gom và chôn lấp rác. Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường nặng nề và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Người dân tiến hành thu hoạch nấm rơm trồng từ giá thể sử dụng chế phẩm sinh học

Trong khuôn khổ của dự án ứng dụng nêu trên, Liên hiệp Khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao (Sở KH&CN Hải Phòng) tư vấn chuyển giao cho xã công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học BiomixRR và Bioaktiv để xử lý rơm rạ và rác thải. Chế phẩm BiomixRR là một hỗn hợp vi sinh vật xử lý rơm rạ do Công ty CP Sinh học Hà Nội sản xuất, có tác dụng bổ sung vi sinh vật kháng bệnh cho cây trồng, các nguyên tố khoáng, vi lượng … Đặc biệt, chế phẩm này bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải triệt để rơm, rạ phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phun chế phẩm Bioaktiv tại bãi rác giúp giảm ô nhiễm môi trường

Bioaktiv là bột kích hoạt vi sinh, một trong những công nghệ mới trong xử lý nước thải. Việc sử dụng bột kích hoạt vi sinh giúp cho khu vực xử lý chất thải không bị ô nhiễm, phân hủy nhanh các chất hữu cơ, giúp giảm ô nhiễm không khí trong khu vực chứa rác thải và các vùng lân cận.

Từ tháng 6/2013, UBND xã Ngũ Phúc bắt tay xây dựng các mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học trên: mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Bioaktiv góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại các xe thu gom, bãi rác của xã và mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Fito-BiomixRR để xử lý 100 tấn rơm, rạ tại các thôn trên địa bàn xã.               

Thực tế mô hình cho thấy hiệu quả rất tốt đối với người dân tham gia nói riêng và bà con trong xã nói chung. Mùi xú uế từ nguồn rác thải sinh hoạt hay khu chôn lấp rác đều “biến mất”, các bãi rác đều không có ruồi muỗi hoành hành. Quá trình khử mùi diễn ra nhanh chóng, thời gian xử lý ổn định kéo dài. Riêng chế phẩm BiomixRR mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mang lại niềm phấn khởi cho bà con. BiomixRR được phun lên rơm rạ để ủ thành giá thể trồng nấm. Những hộ dân tham gia mô hình cho hay, từ những đống rơm, rạ phải rất lâu mới phân hủy hết thì sau khi tưới dung dịch Biomix RR lên và ủ đống bằng nilon, có thể sử dụng được sau 25-30 ngày. Sau quá trình thu hoạch nấm liên tục khoảng 30-35 ngày, rơm rạ phế phẩm tiếp tục được chất đống, ủ thành phân bón lót cho cây trồng.

Theo anh Nguyễn Danh Tuấn (thôn Đoài, xã Ngũ Phúc), bình quân mỗi tấn rơm nguyên liệu, anh chỉ phải bỏ ra 70 nghìn đồng mua chế phẩm sinh học. Khi thu hoạch, mỗi tấn rơm cho gần 2 tạ nấm, bán tại vườn được gần 8 triệu đồng, lãi ròng 6,5 - 7 triệu đồng. Anh Tuấn cho rằng, đây là mô hình rất phù hợp với gia đình và anh sẽ tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng này.

Chị Vũ Kim Liên - cán bộ chuyển giao kỹ thuật của Liên hiệp Khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao (Sở KH&CN) cho biết, những hộ đang thực hiện mô hình đã triển khai bón lót cho ruộng bằng “phân rơm” ngay từ vụ mùa này. Một số khác mang về ủ đất vườn, trồng cây cảnh. Hiệu quả khá rõ ràng, nông dân bớt được một phần chi phí mua phân hóa học, vốn độc hại, giá cả đắt đỏ. Mặt khác, loại phân bón hữu cơ giúp làm sạch đất nông nghiệp. Theo tính toán của các nhà khoa học, sau 3 năm liên tục dùng loại phân bón này, môi trường trong sạch được khôi phục, tôm cá lại trở về với đồng ruộng.

Ông Đỗ Gia Khánh – Phó Giám đốc Sở KH&CN khẳng định, mặc dù với kinh phí không lớn nhưng dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thiết thực đối với bà con nông thôn. Sau khi dự án kết thúc, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng trong toàn xã và các địa phương khác, phục vụ tốt cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Hân Minh