Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5661
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ Nano UFB (Ultra Fine Bubble) để bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay (13/09/2024)

Cá ngừ đại dương là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, là đối tượng có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng khai thác lớn ở biển Việt Nam. Cá ngừ đại dương có 3 loài chính, đó là cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vằn. Ước tính trữ lượng nguồn lợi cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to khoảng 80 nghìn tấn, khả năng cho phép khai thác khoảng 24 nghìn tấn/năm. Cá ngừ đại dương được khai thác chủ yếu bằng nghề câu tay kết hợp ánh sáng và nghề lưới vây. Do đặc điểm phân bố của cá ngừ đại dương ở những ngư trường xa bờ nên đội tàu khai thác thường phải hoạt động dài ngày trên biển. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm.

Ở Việt Nam, đa phần các tàu khai thác cá ngừ đại dương đều sử dụng phương pháp bảo quản lạnh bằng đá xay. Hầm bảo quản được làm theo kiểu truyền thống, vật liệu cách nhiệt bằng xốp ghép hoặc đệm mút có hệ số cách nhiệt thấp, dễ bị ngấm nước, tuổi thọ không cao. Tổn thất nhiệt trong hầm bảo quản rất lớn làm cho nước đá tiêu hao nhanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm xuống cấp nhanh chóng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nói, công nghệ bảo quản cá ngừ trên tàu khai thác xa bờ hiện nay ở nước ta chỉ duy trì được thời gian bảo quản tốt khoảng dưới 12 ngày. Trong khi đó, thời gian chuyến biển trung bình của tàu khai thác cá ngừ thường trên 20 ngày. Do dó, cần thiết phải nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản mới cho nghề câu tay cá ngừ đại dương để giảm thất thoát sau thu hoạch.

Hiện nay trên thế giới có một số công nghệ bảo quản tiên tiến có thể ứng dụng để bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay. Trong đó công nghệ nano UFB sẽ là lựa chọn tối ưu, phù hợp với đối tượng bảo quản và đặc điểm tàu cá nước ta. Công nghệ nano UFB đã được Viện Nghiên cứu Hải sản phối hợp với Công ty YZSIDE.COM (Singapore) nghiên cứu thử nghiệm bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay năm 2016. Kết quả bước đầu cho thấy 100% mẫu cá ngừ đại dương bảo quản bằng công nghệ nano UFB đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tươi sang thị trường Nhật Bản (loại A). Thời gian bảo quản lâu hơn so với phương pháp truyền thống khoảng 4-5 ngày.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Phạm Văn Long cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ Nano UFB (Ultra Fine Bubble) để bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay” với mục tiêu phát triển công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế sản phẩm xuất khẩu.

Hệ thống thiết bị bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano UFB do dự án chế tạo đã đạt và vượt các yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật so với đặt hàng. Thiết bị tách khí ni tơ từ khí trời đạt lưu lượng > 2 lít/phút, nồng độ ni tơ > 99,5%. Thiết bị tạo bọt khí nano UFB có tốc độ xử lý hàm lượng D/O về dưới 1ppm chỉ mất 27 phút, thiết bị có thể khử hoàn toàn lượng oxy hòa tan trong nước (D/O = 0ppm). Độ tồn lưu của bọt khí nano trong nước tốt hơn 10 lần và giá thiết bị chỉ bằng 5% so với thiết bị cùng loại của Nhật.

Dự án đã nghiên cứu xây dựng thành công Quy trình bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano UFB trên tàu câu tay. Tỷ lệ chất lượng cá ngừ đại dương bảo quản bằng công nghệ nano UFB loại A chiếm 73%, cao hơn 3,7 lần so với yêu cầu đặt hàng, cao hơn 10,4 lần so với cá ngừ cá ngừ bảo quản theo phương pháp truyền thống của ngư dân. Quy trình công nghệ đã được Tổng cục Thủy sản nghiệm thu, đánh giá để công nhận Tiến bộ kỹ thuật.

Hao hụt khối lượng của cá ngừ đại dương bảo quản bằng công nghệ nano UFB giảm 4,3% so với cá ngừ cá ngừ bảo quản theo phương pháp truyền thống của ngư dân. Các nghiên cứu trước đây chưa đánh giá về hao hụt khối lượng cá ngừ đại dương.

Dự án đã hoàn thành chuyển giao công nghệ, hệ thống thiết bị bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano UFB cho 10 tàu câu tay. Dự án đã đào tạo được 80 học viên (ngư dân) nắm vững quy trình kỹ thuật bảo quản cá ngừ đại dương. Các tàu mô hình tiếp tục duy trì sản xuất sau khi dự án kết thúc.

Dự án đã tổ chức được 41 lượt chuyến biển thử nghiệm. Doanh thu chuyến biển của các tàu thử nghiệm tăng thêm, chi phí sản xuất giảm xuống so với tàu bảo quản theo phương pháp truyền thống của ngư dân. Lợi nhuận của các tàu thử nghiệm khoảng 17 triệu đồng/tàu/chuyến biển, cao hơn nhiều lần so với lợi nhuận của tàu bảo quản theo phương pháp truyền thống (2,3 trđ/tàu/chuyến).

Bước đầu dự án đã thành công trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương. Gắn kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất, nậu vựa và nhà phân phối. Cá ngừ đại dương bảo quản bằng công nghệ nano UFB đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sau nhiều năm gián đoạn. Các tàu mô hình tham gia chuỗi giá trị đã được hưởng lợi từ việc được tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới, hưởng lợi từ việc bán sản phẩm cá ngừ đại dương cao hơn giá thị trường.

* Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20193/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)

Cập nhật ngày: 9/9/2024

https://vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/ung-dung-cong-nghe-nano-ufb-ultra-fine-bubble-de-bao-quan-ca-ngu-dai-duong-tren-tau-cau-tay-9599.html