Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 42959 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học kỹ thuật và công nghệ
Ứng dụng công nghệ sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời (27/10/2016)
Năng lượng mặt trời (NLMT) được coi là nguồn năng lượng ưu việt, đó là nguồn năng lượng sẵn có, siêu sạch và miễn phí. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về NLMT, có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, bình quân có 2.000 - 2.500 giờ nắng mỗi năm. Việc sử dụng NLMT sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời bảo đảm sự bền vững của môi trường.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn về gạo, cà phê, điều, hồ tiêu,…Tuy nhiên, giá trị của các mặt hàng này chưa cao do người dân chủ yếu sử dụng phương pháp phơi khô thủ công và xuất khẩu thô. Sau đây là một số ứng dụng thiết bị sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời đem lại hiệu quả cao.
Hiện nay, giá trị các mặt hàng nông sản ở nước ta rất thấp, chủ yếu là xuất ở dạng thô. Nhận thấy những hạn chế của nông sản sau thu hoạch, đội ngũ nghiên cứu khoa học Công ty TNHH Phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới (SAV) đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời, sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không. Kết quả này, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao mức thu nhập cho bà con nông dân, nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Khách tham quam sản phẩm máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, Bộ Khoa học và Công nghệ, đội ngũ nghiên cứu khoa học Công ty TNHH Phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới (SAV) đã thực hiện dự án “Hỗ trợ nghiên cứu và chế tạo máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời, sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không”.
Hệ thống sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không được Công ty SAV nghiên cứu kết hợp hai tiến bộ khoa học kỹ thuật/hai công nghệ cao là ống thủy tinh chân không và thiết bị ống nhiệt vào một thiết bị mới gọi là Bộ thu nhiệt NLMT dùng ống nhiệt ống thủy tinh chân không để cấp nhiệt cho máy sấy nông sản… Với việc triển khai ứng dụng các công nghệ cao này, qua tính toán và nhiều thực nghiệm, cho thấy hiệu suất của bộ thu NLMT có thể đạt 55% - 65%.
Ông Trần Công Lý - Giám đốc Công ty SAV cho biết: So với chi phí sấy lúa bằng máy sấy tĩnh vỉ ngang lò trấu cỡ 30 tấn/mẻ là 150.000 đồng/tấn lúa (gồm các phí bốc xếp, đốt lò, điện, trấu, khấu hao thiết bị, lãi ngân hàng) thì với loại máy sấy này vẫn có lợi hơn khoảng 27.000 đồng/tấn, đó là chưa kể các ích lợi khác do sử dụng năng lượng sạch - năng lượng mặt trời. Với tiền sấy thuê bằng máy sấy hiện nay khoảng 250.000 đồng/tấn, như vậy lãi trên dưới 127.500 đồng/tấn, do đó chỉ cần sấy 588 tấn lúa là có thể thu hồi vốn đầu tư, tương đương thời gian thu hồi vốn của 01 modul sấy khoảng 3,9 năm (nếu chỉ tính sấy 7 giờ/ngày).
“Từ những kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như kết quả thu được trên thực tế với chế tạo mẫu máy 250 kg/mẻ phục vụ quy mô hộ gia đình của dự án này, khả năng áp dụng của đề tài khá cao, có thể triển khai ngay được. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu chế tạo loại máy sấy có công suất sấy lớn hơn, nhằm phục vụ cho quy mô sấy của các hợp tác xã, các đơn vị dịch vụ sấy”, ông Trần Công Lý cho biết.
Đánh giá về tính khả thi của dự án, theo TS. Nguyễn Thúy Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế Hợp tác và các loại hình Hợp tác xã thì đây là sản phẩm máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng thực tiễn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu Chương trình Quốc gia của Việt Nam về sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua việc nghiên cứu phát triển công nghệ mới, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Sản phẩm máy sấy sẽ giúp bà con nông dân giảm chi phí, xóa đói giảm nghèo.
Sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không đem lại hiệu quả cao về kinh tế góp phần giải quyết một phần nhu cầu chế biến sản phẩm nông nghiệp, một nhu cầu cấp thiết mà hiện tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 30%. Sản phẩm trên nếu được đưa ra thị trường sẽ góp phần giúp các hộ nông dân, các hợp tác xã có sản phẩm hiệu quả cao hơn, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân.
Tại Vĩnh Long vừa diễn ra nghiệm thu dự án nghiên cứu khoa học: “Ứng dụng thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời trong sấy nông sản trong tỉnh".
Ứng dụng sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời đem lại hiệu quả cao nhưng thân thiện môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Long, Hội đồng khoa học đã tiến hành nghiệm thu dự án: “Ứng dụng thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời trong sấy nông sản ở tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 1)”. Dự án được tiến hành bởi ông Huỳnh Kim Tước và Ths Vũ Ngọc Tú đồng chủ nhiệm dự án và Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì.
Dự án triển khải nhằm mục tiêu khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu ứng dụng năng lượng mặt trời trong sấy nông sản ở tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, khảo sát đánh giá lựa chọn đối tượng nông sản và công nghệ sấy phù hợp đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, dự án còn nghiên cứu, thiết kế mô hình sấy bằng năng lượng mặt trời cho đối tượng nông sản đã chọn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Sau 12 tháng thực hiện, dự án cơ bản đã hoàn thành và đạt được một số kết quả khả quan, qua đánh giá tiềm năng của bức xạ năng lượng mặt trời và khả năng ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời vào quá trình đã đem lại rất nhiều ưu điểm hơn là sử dụng nguyên liệu hóa thạch.
Thiết bị công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời có nhiều ưu điểm cơ bản, trong đó, nổi trội nhất của dự án là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí CO2 vào không khí, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, cho sản phẩm sau sấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kết quả nghiên cứu của dự án cho thấy được tiềm năng ứng dụng mô hình máy sấy năng lượng mặt trời vào hai loại nông sản tiềm năng ở tỉnh Vĩnh Long là cơm nhãn và khoai lang. Qua các phân tích, cho thấy được lợi ích mang lại đối với các hộ gia đình từ máy sấy năng lượng mặt trời là rất to lớn, nhu cầu thị trường máy sấy năng lượng mặt trời là rất tiềm năng. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng kết quả của Dự án sẽ mở ra một hướng đi mới cho công nghệ sấy nông sản tại Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh Đồng bằng song Cửu long nói chung.
Nguồn: www.vista.gov.vn
- Trung Quốc phát triển radar laser có thể 'mò kim dưới biển' (16/12/2024)
- Bơm nhiệt CO2 lớn nhất thế giới có thể sưởi cho 25.000 hộ (09/12/2024)
- Neuralink thử nghiệm điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ (02/12/2024)
- Trung Quốc khởi động cỗ máy siêu trọng lực mạnh nhất thế giới (25/11/2024)
- Nhà máy năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới (18/11/2024)
- Xe điện mặt trời có thể chạy 1.600 km (12/11/2024)