Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 15464 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học nông nghiệp
Ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến xây dựng vùng nguyên liệu điều theo chuỗi giá trị đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu (05/05/2025)
Điều là cây công nghiệp quan trọng ở nước ta có giá trị xuất khẩu cao sau lúa gạo và cà phê. Từ năm 2000 đến nay, ngành điều phát triển vượt bậc trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của nước ta và đứng thứ nhất trong các nước xuất khẩu điều của thế giới. Việt Nam là nước chế biến trên 50% sản lượng điều của cả thể giới. Ngành sản xuất điều không chỉ đem lại giá trị kinh tế lớn mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hơn một triệu lao động là nông dân và công nhân chế biến. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn điều thô. Việc nhập khẩu nguyên liệu thô không những làm giá thành sản phẩm bị tăng cao mà chất lượng sản phẩm không ổn định. Để tiếp tục giữ vững vị trí xuất khẩu, thương hiệu điều Việt Nam thì chúng ta cần phải chủ động phát triển bền vững điều nguyên liệu trong nước, trong đó các tỉnh trồng điều chính như Bình Phước (thủ phủ cây điều) rất được nhà nước quan tâm trong việc phát triển các đề tài, dự án.
Vì lý do trên, TS. Trần Công Khanh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các cộng sự triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến xây dựng vùng nguyên liệu điều theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”. Đây là cơ hội để hình thành mạng lưới liên kết “người nông dân - nhà khoa học - nhà quản lý và nhà doanh nghiệp” theo chuỗi giá trị tạo mô hình mẫu ban đầu về quản lý chất lượng điều nguyên liệu đáp ứng yêu cầu/tiêu chuẩn xuất khẩu, với mục tiêu áp dụng các giải pháp đồng bộ từ chính sách liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, giải pháp tổ chức sản xuất cùng với các kỹ thuật canh tác tiên tiến (giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, kỹ thuật tưới nước khoa học… Nó không chỉ tạo ra sản phẩm điều đạt chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp mà còn tạo tiền đề vững chắc cho việc nhân rộng các mô hình phát triển điều nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh trồng điều lân cận.
Xây dựng được mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất điều thâm canh, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân tham gia thực hiện Dự án.
Dự án đã tiến hành đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu và thực trạng về sản xuất điều tại vùng thực hiện dự án từ đó đã xác định được những thuận lợi, khó khăn, mong đợi của người dân trồng điều và chính quyền địa phương. Mặt khác trong quá trình điều tra đã xác định được địa điểm, chọn được hộ tham gia thực hiện các nội dung của dự án. Mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất điều thâm canh, quy mô 20 ha tại HTX Hợp tác xã tư vấn, liên kết sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước tác động bằng các biện pháp thâm canh điều tổng hợp (tỉa cành tạo tán, bón phân cân đối, kiểm soát sâu bệnh hại điều bằng thuốc hóa học và hun khói) tại xã Đắk Nhau đã giảm chi phí sản xuất 15,4% so với sản xuất đại trà, góp phần tăng năng suất hạt điều lên 17,3%. Hiệu quả kinh tế của mô hình đạt 31,9 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất đại là 20,3 triệu đồng/ha/năm. Hiệu quả kinh tế tăng thêm 13,8 triệu đồng/ha/năm (tương ứng 72,3%). Mô hình liên kết sản xuất điều nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, theo chuỗi giá trị có sự tham gia liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng điều, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cơ chế đồng thuận và cơ sở pháp lý vững chắc tại Tại HTX Thành Phát, xã Bom Bo có năng suất điều trong mô hình đạt 2.180 kg/ha so với năng suất điều ngoài mô hình là 1.853 kg/ha, năng nuất tăng thêm 327 kg/ha tương ứng với 17,7%. Tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh, xã Đắk Nhau có năng suất điều trong mô hình đạt 2.203 kg/ha so với năng suất điều ngoài mô hình là 1.805 kg/ha, năng nuất tăng thêm 398 kg/ha tương ứng với 22,0%. Hiệu quả kinh tế tăng thêm so với đối chứng ở HTX Thành Phát là 13,7 triệu đồng/ha/năm, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng xanh 15,6 triệu đồng/ha. Trung bình cho cả 2 HTX đạt 14,6 triệu đồng/ha (tương ứng 46,5%).
Quy trình tiên tiến (tổ chức sản xuất và khoa học kỹ thuật) để phát triển các vùng sản xuất bền vững điều nguyên liệu theo chuỗi giá trị đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước tiếp nhận và đưa vào ứng dụng cho sản xuất điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến xây dựng vùng nguyên liệu điều theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu” đã hoàn thành đúng và đầy đủ nội dung, khối lượng, tiến độ và kinh phí đã phê duyệt. Tuy nhiên, Dự án thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp nên số liệu còn mỏng, tính thuyết phục chưa cao, cần mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng mô hình Ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến xây dựng vùng nguyên liệu điều theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu” tại các tỉnh trồng điều của Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20679/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê./.
P.T.T (NASTIS)
Ngày cập nhật: 25/04/2025
https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/ung-dung-dong-bo-cac-giai-phap-canh-tac-tien-tien-xay-dung-vung-nguyen-lieu-dieu-theo-chuoi-gia-tri-dam-bao-tieu-chuan-xuat-khau-11176.html
- Phát triển robot siêu nhỏ có thể có thể thụ phấn nhân tạo cho cây trồng và thực phẩm (29/04/2025)
- Nghiên cứu quy trình nhân giống cây chè tím (Camellia sinensis) bằng nuôi cấy mô... (21/04/2025)
- Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để phát triển Cam Bưởi theo chuỗi... (16/04/2025)
- Rong biển có phải là giải pháp khả thi để giảm phát thải khí mê-tan không? (08/04/2025)
- Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton)... (02/04/2025)