Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 65235
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chuẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic (29/06/2021)

Bụi phổi silic là bệnh xơ hóa phổi tiến triển không hồi phục, bệnh gây ra bởi hít phải các tinh thể bụi silic tự do hoặc silic dioxite (SiO2) trong môi trường làm việc.

Bụi phổi silic là bệnh xơ hóa phổi tiến triển không hồi phục, bệnh gây ra bởi hít phải các tinh thể bụi silic tự do hoặc silic dioxite (SiO2) trong môi trường làm việc.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu liên quan đến bệnh phổi như: bệnh bụi phổi silic, bệnh phổi nghẽn mạn tính... đã có nhưng chủ yếu mới là các nghiên cứu lâm sàng mà rất ít các nghiên cứu về yếu tố nguy cơ, nhất là về dịch tễ học phân tử, ứng dụng kỹ thuật cao để phát hiện và điều trị bệnh.

Vì vậy, các nghiên cứu về yếu tố nguy cơ bệnh bụi phổi silic sẽ giúp hình thành một chiến lược trong việc chẩn đoán sớm cũng như tư vấn cho người lao động, đặc biệt là người lao động tại các khu công nghiệp mang các biến thể gen TNF-α (gen hoại tử u) có thể tăng khả năng mắc bệnh bụi phổi silic.

Những nghiên cứu này góp phần tư vấn đề những người có khả năng mắc bệnh cao sẽ lựa chọn được nghề nghiệp và có các biện pháp bảo hộ lao động thích hợp.

Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chuẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic

Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường Y tế, bệnh bụi phổi silic vẫn đang là gánh nặng bệnh tật của Việt Nam.

Số người mắc và tử vong do bệnh bụi phổi silic trên thực tế cao hơn so với số liệu báo cáo và được giám định hàng năm.

Đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh này nhưng bệnh có thể dự phòng sớm nên việc dự phòng và chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người lao động.

Bụi phổi silic là bệnh xơ hóa phổi tiến triển không hồi phục, bệnh gây ra bởi hít phải các tinh thể bụi silic tự do hoặc silic dioxite (SiO2) trong môi trường làm việc. Bệnh vẫn tiếp tục tiến triển ngay cả khi người lao động không còn phơi nhiễm với bụi silic.

Phơi nhiễm với bụi silic có thể xảy ra ở nhiều ngành nghề khác nhau như người lao động phơi nhiễm với thạch anh, cát, granit (có chứa 60% silic), bụi đá, bụi ximăng...

Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử, yếu tố nguy cơ và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic tại Việt Nam,” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) được nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội), Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) và Bệnh viện phổi Trung ương phối hợp triển khai đã đưa ra phương pháp chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic.

Đề tài do Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, làm chủ nhiệm cùng các cộng sự thực hiện.

Nghiên cứu trên cơ sở ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào nghiên cứu nhóm đối tượng gồm hơn 8.000 người lao động tại các cơ sở sản xuất trên các vùng miền cả nước có tiếp xúc trực tiếp với bụi silic, đồng thời ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic.

Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để xác định đặc điểm dịch tễ học phân tử và các yếu tố nguy cơ nội sinh của bệnh bụi phổi silic; xác định tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic và phân tích một số yếu tố liên quan, nồng độ protein TNF-α trong máu, giải trình tự gen thế hệ mới…

Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến gồm chụp X-quang kỹ thuật số theo ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), đo tổng dung tích phổi (TLC), đo khả năng khuếch tán khí CO qua màng phế nang mao mạch (DLCO) để chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic, khi bệnh nhân chưa có dấu hiệu lâm sàng.

Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic tại các tỉnh được nghiên cứu là 12%, nhóm ngành luyện kim chiếm cao nhất (14,9%), ngành khai thác, chế biến quặng/đá (14,4%), ngành sản xuất gốm, sứ thủy tinh (13,3%).

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có mối liên quan mang tính thống kê giữa giới tính, nhóm tuổi đời, tuổi nghề, tiền sử hút thuốc, thời gian tiếp xúc với bụi silic, đeo khẩu trang với tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic...

Thông qua đề tài, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được quy trình ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic và sẵn sàng chuyển giao để góp phần nâng cao sức khỏe người dân.

Tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic tại các tỉnh được nghiên cứu là 12%, nhóm ngành luyện kim chiếm cao nhất (14,9%), ngành khai thác, chế biến quặng/đá (14,4%), ngành sản xuất gốm, sứ thủy tinh (13,3%).

Tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic tại các tỉnh được nghiên cứu là 12%, nhóm ngành luyện kim chiếm cao nhất (14,9%), ngành khai thác, chế biến quặng/đá (14,4%), ngành sản xuất gốm, sứ thủy tinh (13,3%).

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Công Khẩn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đánh giá cao kết quả và nhấn mạnh kết quả nghiên cứu đề tài không chỉ là những bằng chứng khoa học trong đào tạo, nghiên cứu tại Trường Đại học Y Hà Nội mà còn tốt cho công tác dự phòng sớm tại cộng đồng, cung cấp các bằng chứng khoa học cho các nhà quản lý đưa ra quyết định nhằm dự phòng và điều trị sớm bệnh bụi phổi silic cho người lao động tại Việt Nam.

Đồng thời, nghiên cứu còn giúp Bộ Y tế xem xét lại tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh bụi phổi silic (về thời gian tiếp xúc tối thiểu), xây dựng các hướng dẫn xét nghiệm TNF-α máu trong khám tuyển dụng hoặc bố trí việc làm cho người lao động làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ mắc bệnh như: luyện kim, khai thác quặng/đá).

Đặc biệt, nghiên cứu giúp gợi ý những hướng nghiên cứu tiếp theo để tiếp tục phát hiện sớm bệnh bụi phổi silic, giúp người lao động khoẻ mạnh, tăng năng suất lao động.

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh phổ biến, bệnh diễn biến mạn tính, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, thường tiến triển nặng dần liên quan đến đáp ứng viêm mạn tính quá mức ở đường hô hấp và nhu mô phổi với các hạt bụi, khí độc hại.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường tiến triển với các đợt cấp và nặng dần theo thời gian dù được điều trị phối hợp các biện pháp.

Đề tài nghiên cứu "Ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh thực hiện vừa được Hội đồng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước giữa tháng 6/2021 đã mở ra hướng điều trị mới, mang lại giá trị và niềm tin cho người bệnh và xã hội.

Đây là một trong những đề tài đầu tiên ứng dụng tế bào gốc để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tế bào gốc là các tế bào chưa có chức năng chuyên biệt, có tiềm năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau và có khả năng tự thay mới.

Tế bào gốc và tế bào gốc trung mô đã được chứng minh có khả năng kháng viêm, điều biến miễn dịch và tái tạo.

Nhờ đặc tính điều biến miễn dịch độc đáo, tế bào gốc trung mô trở thành loại tế bào có giá trị trong điều trị và chữa tổn thương mô hoặc trong điều trị các bệnh viêm mạn tính, bệnh tự miễn.

Nhờ những đặc tính ưu việt của tế bào gốc, tế bào gốc tự thân và tế bào gốc đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan và hy vọng cho bệnh nhân.

Qua nghiên cứu và thực hiện đề tài, các nhà khoa học tại Học viện Quân y đã làm chủ được những kỹ thuật điều trị mới, hiện đại về phân lập nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trong các nguồn cung cấp tế bào gốc, dây rốn là một nguồn cung cấp tế bào gốc trung mô có nhiều tiềm năng ứng dụng.

Tế bào gốc trung mô từ dây rốn có quy trình thu thập đơn giản, dễ thu nhận, có nhiều loại tế bào gốc và số lượng nhiều và có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các tế bào gốc trung mô thu nhận từ một số nguồn khác.

Từ đó, sử dụng tế bào gốc trung mô dây rốn đồng loài điều trị các bệnh có cơ chế viêm như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một lựa chọn có tính khoa học, nhằm vào can thiệp cơ chế bệnh sinh của bệnh.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 nhấn mạnh: Mục tiêu điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là làm giảm triệu chứng, giảm sự tiến triển của bệnh, giảm đợt cấp, tăng khả năng hoạt động thể lực, chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và làm giảm khả năng tử vong.

Một số biện pháp can thiệp đã được áp dụng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như phẫu thuật giảm thể tích phổi, nội soi giảm thể tích phổi, ghép phổi…

Các phương pháp điều trị hiện nay gồm cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc vẫn chưa đáp ứng được mong muốn quan trọng của người bệnh là cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách tăng khả năng gắng sức và giảm số lần nhập viện vì đợt cấp.

Do đó, theo nhóm nghiên cứu, với cơ chế sinh bệnh có liên quan đến quá trình viêm và hoạt động quá mức của hệ miễn dịch, rất cần một phương thức điều trị hợp lý, đi đúng cơ chế miễn dịch của bệnh.

Xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, nhóm nghiên cứu triển khai đề tài với mục tiêu xây dựng được qui trình ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Đồng thời đánh giá tính an toàn và hiệu quả của ghép tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được qui trình ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đồng thời đánh giá tính an toàn và hiệu quả của ghép tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị.

Kết quả cho thấy liệu pháp ghép tế bào gốc trung mô đồng loài an toàn không có sốc phản vệ, tử vong ngay sau ghép, 24 giờ, 1 tuần và 1 tháng sau ghép.

Phương pháp này có hiệu quả điều trị qua 6 tháng và 12 tháng theo dõi điều trị.

Những kết quả đạt được của đề tài đã bổ sung minh chứng khoa học về khả năng sử dụng tế bào gốc trong lĩnh vực tái tạo/tái sinh các tế bào và mô bị tổn thương, góp phần phát triển lĩnh vực y học tái tạo/tái sinh đang được chú ý mạnh mẽ và là một trong các xu hướng mới của y học.

Đồng thời khẳng định các nhà khoa học đã làm chủ được những kỹ thuật điều trị mới, hiện đại về phân lập nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn, các kỹ thuật trong ghép tế bào gốc, đánh giá hiệu quả của bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị bằng ghép tế bào gốc trung mô đồng loài từ mô dây rốn.

Đây là một trong những đề tài đầu tiên dùng tế bào gốc để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và mở ra một hướng mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nói riêng và các bệnh khác nói chung bằng tế bào gốc trung mô đồng loài từ mô dây rốn, mang lại giá trị và niềm tin cho bệnh nhân cũng như xã hội./.

Nguồn: HL/vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 27/6/2021

https://www.vietnamplus.vn/ung-dung-ky-thuat-tien-tien-trong-chuan-doan-som-benh-bui-phoi-silic/722791.vnp