Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5097
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Vi khuẩn chống rò rỉ khí nguy hiểm (16/05/2014)

Theo một nghiên cứu mới của trường Đại học East Anglia (Anh), vi khuẩn có thể xử lý hiện tượng rò rỉ khí thiên nhiên xuất hiện tự nhiên và do con người tạo ra, trước khi chúng phát tán vào khí quyển và gây nóng lên toàn cầu. Các kết quả nghiên cứu đã được đăng trên Tạp chí Nature nêu rõ cách chủng vi khuẩn Methylocella silvestris được phát hiện dưới đất và các môi trường khác trên toàn thế giới, có thể phát triển dựa vào metan và propan trong khí thiên nhiên.

Ban đầu, mọi người cho rằng khả năng chuyển hóa metan và các ankan dạng khí khác như propan do các nhóm vi khuẩn khác nhau thực hiện. Nghiên cứu mới quan trọng vì đã phát hiện ra một loại vi khuẩn có thể xử lý các thành phần của khí thiên nhiên rất hiệu quả và giảm ô nhiễm.

Kết quả nghiên cứu có thể giúp giảm thiểu các ảnh hưởng của phát thải khí nhà kính vào khí quyển do rò rỉ khí thiên nhiên trong môi trường và từ hoạt động của con người như khai thác dầu bằng thủy lực (fracking) và tràn dầu.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu vi khuẩn Methylocella thường thấy trong than bùn và đất rừng ở Bắc Âu. Loại vi khuẩn này cũng được phát hiện trong cộng đồng vi khuẩn sau vụ tràn dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đo khả năng vi khuẩn này phát triển dựa vào metan và các khí khác.

GS Colin Murrel, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Khoa môi trường, Đại học East Anglia cho rằng khí thiên nhiên từ các nguồn địa chất có chứa metan, cũng như khối lượng lớn etan, propan và butan. Họ đã chứng minh được rằng một vi khuẩn có thể sinh trưởng nhờ vào cả metan và propan với tốc độ tương tự là vì vi khuẩn này có 2 hệ thống enzym, được sử dụng để khai thác cùng một lúc cả 2 khí này.

Các kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng để đưa ra các quyết định về quản lý sử dụng đất. Ví dụ, các khu vực có nồng độ khí metan và propan cao có thể được hưởng lợi từ một môi trường dồi dào vi khuẩn Methylocella sống tự nhiên dưới đất.

Metan là khí nhà kính mạnh, được thải ra từ các nguồn tự nhiên như đất ngập nước, cũng như từ các hoạt động của con người bao gồm quản lý chất thải, các ngành công nghiệp dầu khí, sản xuất lúa và chăn nuôi gia súc. Trên toàn cầu, ước tính hơn một nửa phát thải metan là do con người tạo ra. Ở cấp độ phân tử, ảnh hưởng của khí metan đến nóng lên toàn cầu mạnh hơn 20 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 100 năm. Do đó, việc tìm cách loại bỏ metan trong môi trường bằng phương pháp sinh học trước khi nó thải vào khí quyển là rất quan trọng.

Nguồn: www.vista.vn (Theo Sciencedaily)