Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 21565
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Viêm rốn ở bê và biện pháp xử lý (26/09/2017)

          Bê con có biểu hiện sưng cuống rốn, đi tiểu khó, bỏ ăn. Đây là dấu hiệu bê con bị viêm rốn và viêm đường tiết niệu.

1. Nguyên nhân gây viêm rốn

- Do sử dụng các dụng cụ như: dao, kéo, chỉ buộc rốn không được vô trùng hoàn toàn.

- Do người can thiệp quá mạnh tay khi đưa bê con từ tử cung ra ngoài cơ thể mẹ, giật mạnh làm tổn thương cuống rốn.

- Chuồng trại ẩm thấp, kém vệ sinh tạo điều kiện cho vi khuẩn cơ hội xâm nhập vào chỗ cắt trên cuống rốn khi vết thương chưa lành.

2. Triệu chứng

- Thường gặp ở bê sau khi sinh 3-7 ngày.

- Bê uống sữa kém hoặc không uống.

- Đặc biệt xung quang vùng rốn sưng to, sờ vào bê rất đau.

- Bê có thể sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú.

- Bệnh kéo dài, bê gầy dần, da khô, lông xù.

- Nhiều trường hợp hình thành những ổ áp-xe, ổ mủ hoặc u xơ.

- Một số trường hợp nhiễm trùng kế phát gây viêm khớp.

3. Biện pháp xử lý

Phòng bệnh:

 Các dụng cụ dùng để trợ sản, cắt rốn cần được sát trùng cẩn thận trước khi sử dụng.

 Bê sau khi sinh cần tiến hành xử lý cắt rốn, dùng phương pháp:

- Dùng tay vuốt máu ở cuống rốn ra ngoài và dùng kim khâu xuyên qua dây rốn ở vị trí cách rốn từ 3cm và buộc chặt.

- Dùng kéo vô trùng cắt ở phía dưới vị trí nút buộc 1,5 - 2 cm.

- Lấy chén đựng cồn Iod nhúng đầu cuống rốn vừa cắt để sát trùng.

- Khi rốn khô, lấy xanhmethylen bôi vào để tránh ruồi đẻ trứng.

- Cho bê mới sinh ở trong chuồng có đệm lót là rơm, cỏ khô. Bố trí bóng úm hồng ngoại nếu cần thiết. Tránh để bê con nằm trên nền chuồng ẩm thấp.

- Dùng một số loại kháng sinh để chống viêm nhiễm. Có thể dùng: Gentamycin 6-8ml/100kgP Tetramycin LA 1ml/10kgP.

- Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da xung quanh vùng rốn viêm, tiêm liên tục 3-5 ngày. 

Can thiệp và điều trị

Nếu bê viêm nhiễm nhẹ: tiến hành sát trùng và rửa rốn bằng cồn Iod, ôxy già. Sau đó tiêm kháng sinh điều trị: Có thể dùng một số loại kháng sinh như: Amoxylin, Penicillin, Oxytetracyclin, Gentamycine…

Trường hợp nặng, hình thành áp-xe, ổ mủ cần xử lý như sau:

- Dùng kéo cắt hết lông chỗ ổ áp xe, sau đó dùng dao cạo sạch lông vùng ổ áp xe.

- Sau đó dùng cồn 70 độ hoặc cồn Iodin 10% sát trùng kỹ toàn bộ vùng ổ áp xe. Dùng thuốc tê Novocin 3% tiêm với liều 5ml/con vào quanh ổ áp xe để giảm đau.

- Dùng dao mổ vô trùng chích mở ổ áp-xe ở vị trí thấp nhất, chích nặn hết mủ, dịch viêm và máu cá.

- Dùng nước muối sinh lý rửa sạch ổ áp-xe, tiếp tục dùng cồn Iodin 10% hoặc thuốc rửa sạch ổ áp-xe.

- Lấy bông, gạc sạch tẩm hỗn hợp Penicillin + Streptomycin nhét vào trong vết thương 1 lần/ngày trong 5 ngày liền. Mỗi ngày lặp lại cần tiến hành rửa, sát trùng vết thương trước khi bôi tẩm kháng sinh.

- Dùng Amoxycillin hoặc Oxytetracyclin tiêm bắp 1 lần/ ngày/ 3-5 ngày liền để chống nhiễm trùng. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Dùng các thuốc hạ sốt kháng viêm: Anagin C, Dexamethasone, Diclofenac. Dùng các thuốc trợ sức, trợ lực như Catosal, Metosal, B.complex tiêm bắp 1 lần/ ngày/ 3 ngày liền để trợ sức. 

 

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi