Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6536
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Vùng hoang vu ở Mỹ cũng chịu 1000 tấn bụi nhựa mỗi năm (29/06/2020)

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science, các công viên quốc gia và vùng hoang vu ở phía tây nước Mỹ đang phải hứng chịu một lượng lớn bụi nhựa, ước tính hơn 1000 tấn mỗi năm. Trong số đó, ¼ các mảnh vi nhựa có khả năng đến từ những cơn bão quét qua các thành phố lân cận, hoặc những vùng xa hơn. Đây là những phát hiện “truy ngược” nguồn gốc vi nhựa đầu tiên để bổ sung thêm thêm bằng chứng rõ ràng cho thấy ô nhiễm vi nhựa đang phổ biến trên toàn thế giới.


Những cơn gió bụi này cuốn theo hàng nghìn tấn bụi vi nhựa từ các thành phố đến những vùng hoang vu nhất. 

“Chúng ta đã tạo ra những thứ không thể biến mất. Giờ chúng đang lưu chuyển khắp thế giới”, người đứng đầu nghiên cứu, nhà sinh địa hóa học Janice Brahney ở ĐH bang Utah (Hoa Kỳ), chia sẻ.

Khi quan sát 11 mẫu bụi lấy từ những trạm khí tượng ở vùng xa xôi phía tây nước Mỹ, bao gồm cả hẻm Grand Canyon và công viên quốc gia Joshua Tree, Brahney thấy những mảnh nhỏ có màu sắc rực rỡ dưới kính hiển vi. “Tôi thực sự sốc khi nhận ra đó là những mảnh nhựa”. Brahney cho biết. Bà đã xem xét gần 15.000 mảnh vi nhựa. Phần lớn trong số chúng có kích cỡ nhỏ hơn ⅓ lần so với sợi tóc con người.

Brahney đã thấy nhiều sợi nhỏ, có vẻ đến từ quần áo, thảm và các sản phẩm dệt may khác. Bà cũng tìm thấy các hạt siêu nhỏ, khoảng 30% trong số đó có màu sắc rực rỡ, nhỏ hơn các hạt vi nhựa có trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác. Bà cho biết những hạt này có thể là thành phần có trong các loại sơn, thoát ra ngoài không khí trong quá trình phun sơn. 

70% các hạt còn lại khó phân loại hơn. Brahney và cộng sự đã sử dụng kỹ thuật quang phổ chuyển đổi hồng ngoại Fourier để phân tích. Kết quả cho thấy trung bình các mẫu chứa 4% nhựa. “Con số này khiến chúng tôi rất kinh ngạc”, Brahney cho biết, trước đó họ dự đoán chúng có thể chỉ ít hơn 1%.    

Sau khi tính toán, Brahney và đồng nghiệp ước tính trên mỗi mét vuông đất, có khoảng 132 mảnh vi nhựa đậu xuống mỗi ngày. Trung bình mỗi năm sẽ tích tụ lại hơn 1000 tấn nhựa trong các công viên quốc gia và các khu bảo tồn khác ở phía tây nước Mỹ - tương đương với 300 triệu chai nhựa. Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả này trên tạp chí Science vào ngày 11/6. Mặc dù những nghiên cứu khác cũng đã tìm thấy số lượng vi nhựa tương tự ở các vùng xa xôi như dãy núi Pyrenees ở châu Âu và Bắc Cực, tuy nhiên nghiên cứu mới này cung cấp dữ liệu chi tiết hơn nhiều, khiến Brahney có thể thực hiện bước tiếp theo là tìm ra nguồn gốc hạt vi nhựa.

Bà đã sử dụng một mô hình thời tiết để xác định đường đi của những cơn bão trong khoảng 48 giờ trước khi tới các vùng lấy mẫu. Nhà nghiên cứu này nhận thấy những cơn bão đi qua hoặc ở gần các thành phố lớn lân cận sẽ mang theo nhiều vi nhựa hơn các cơn bão khác. Theo mẫu bụi ở trạm công viên quốc gia Rocky Mountain, bão đi qua Denver mang theo số lượng vi nhựa lớn nhất, gấp 14 lần so với các cơn bão đến từ hướng khác. Các mảnh vi nhựa này cũng có kích cỡ lớn hơn so với các mảnh nhựa lắng đọng trong thời tiết khô ráo, cho thấy gió bão mang đến những mảnh nhựa lớn hơn.

Brahney cho biết phần lớn các mảnh nhựa có thể đến từ những vùng xa hơn, mang đến nhờ các luồng gió trên cao chứ không phải các mưa dông trong khu vực. 

Khoảng 75% vi nhựa lắng đọng trong thời tiết khô ráo hơn là thời tiết mưa. Những mảnh nhựa này thường nhỏ hơn, thậm chí đạt kích cỡ bụi mịn, do đó có thể di chuyển hàng ngàn km. Ngoài ra, các mô hình lắng đọng cho thấy chúng bị ảnh hưởng của các luồng khí quyển hẹp (jet stream). Những vùng cao so với mực nước biển thường có nhiều vi nhựa hơn, tức là các hạt vi nhựa ở cao trên bầu khí quyển và có thể lưu thông toàn cầu.

Hiện nay Brahney đang hợp tác với các nhà khoa học khí quyển chuyên về vận chuyển bụi để nghiên cứu các vấn đề như hạt vi nhựa di chuyển trong khí quyển như thế nào, đến từ đâu, số lượng là bao nhiêu trong không khí. Bà cho biết phần lớn vi nhựa có thể tuần hoàn nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ. Các hạt này ban đầu có thể đã đọng lại trên những cánh đồng, sa mạc hoặc đại dương, sau đó bị gió cuốn đi và tham gia vào “chu trình nhựa” toàn cầu.

Nguồn: Thanh Bình/tiasang.com

Cập nhật: 19/6/2020

https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/My-Vung-hoang-vu-cung-chiu-1000-tan-bui-nhua-moi-nam-25294