Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1797
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá vược xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng (17/08/2020)

Chiều 13/8/2020, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố: “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá vược xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng”. Thạc sĩ Trần Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp) làm chủ nhiệm đề tài.

Thạc sĩ Trần Thị Loan báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng KH&CN.

Xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên có tiềm năng rất lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt phù hợp nuôi cá vược với sản lượng hàng năm từ 3.000-3.500 tấn. Tuy nhiên, mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá vược áp dụng thời gian qua thiếu chặt chẽ, chưa hình thành một chuỗi khép kín từ khâu sản xuất - tiêu thụ, gây khó khăn trong vận hành nên giá trị gia tăng không cao, chưa đem lại nhiều lợi ích cho các hộ nuôi cá.

Từ thực trạng đó, nhóm tác giả đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá vược: Nuôi - thu gom - tiêu thụ tại các chợ lớn và siêu thị (với mô hình liên kết tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng). Mô hình này cho năng suất tăng gấp 2 lần so với mô hình đối chứng. Bên cạnh đó, đề tài đề xuất thêm chuỗi liên kết: Nuôi và sơ chế tại Hợp tác xã  - bán lẻ - tiêu thụ tại các chợ lớn và siêu thị. Với chuỗi liên kết này, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng thêm cơ sở sơ chế cá vược tại Hợp tác xã Mắt Rồng với công suất 1-1.5 tấn cá/ngày, đề xuất xây dựng cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại thành phố Hải Phòng với địa điểm phù hợp.

Để hoàn thiện và phát triển ổn định mô hình chuỗi liên kết mới, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp, như: Vận động các hộ tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các công ty, doanh nghiệp; các đối tượng, tác nhân tham gia chuỗi liên kết đều phải thỏa mãn các điều kiện, tiêu chí về quy mô, cơ sở hạ tầng và phải ý thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia mô hình; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAHP cho các thành viên hợp tác xã nuôi trồng thủy sản…

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn, đề tài cơ bản đạt được mục tiêu khoa học đề ra, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần bổ sung căn cứ pháp lý; làm rõ được đối tượng và mối liên kết giữa các tác nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cá vược ở mô hình mới, nhằm nâng cao khả năng ứng dụng của mô hình mới vào thực tế… Từ đó giúp địa phương tìm ra nút thắt, tháo gỡ khó khăn, phát triển mô hình nuôi cá vược đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại lợi ích cho các hộ sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng./.

                                                C.B