Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 17079
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Xây dựng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại Hải Phòng (30/07/2013)

Đây là dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng vừa thực hiện thành công.

Ban chủ nhiệm dự án trình bày tại Hội nghị

Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu về tình hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại các huyện trên địa bàn thành phố cho thấy, khâu làm đất, tưới tiêu chủ động, ra hạt, xay xát và vận chuyển đã sử dụng nhiều máy móc với tỷ lệ đạt từ 70% trở lên. Khâu ra hạt và xay xát đã hoàn toàn được cơ giới hóa với tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, ở các khâu yêu cầu nhiều sức lao động như làm đất, vận chuyển, tưới nước…, tỷ lệ cơ giới hóa mới ở mức 25 – 30%. Máy động cơ và máy canh tác chủ yếu là cỡ nhỏ, lạc hậu, chậm được bổ sung thay thế, thiếu công suất cho nhu cầu sản xuất.

Sau khi tiếp nhận các quy trình công nghệ từ Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (quy trình cơ giới hóa khâu làm đất, quy trình phun thuốc bằng máy phun thuốc sâu, quy trình cơ giới hóa khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp), nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Mô hình cho thấy, máy kéo sử dụng tốt nhất cho cơ giới hóa sản xuất lúa là máy kéo 4 bánh, công suất 25-35HP, máy phun thuốc trừ sâu dùng động cơ phù hợp với khâu chăm sóc lúa, máy gặt đập liên hợp có bề rộng từ 1,8m là thích hợp. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện quy trình làm đất hợp lý cho lúa cấy và lúa sạ cho từng loại máy kéo vừa và nhỏ trên các chân đất khác nhau.

Một điểm sáng của mô hình là “Tổ dịch vụ cơ giới hóa sản xuất lúa”. Tổ kết hợp với hợp tác xã nông nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất cho từng vụ: thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống, dịch vụ chăm sóc, thu hoạch. Tổ này thực hiện các khâu làm đất, gieo sạ, tưới tiêu, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Khi cây lúa được 3 – 4 lá thật thì tổ bàn giao cho các hộ nông dân chăm sóc. Nhờ hợp tác với nhau, có điều kiện trang bị các thiết bị có công suất phù hợp nên năng suất cao, giá thành dịch vụ thấp.

Mô hình đã đem lại kết quả khả quan: công lao động cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa giảm 30 – 35%, sử dụng công cụ gieo giúp giảm tới 38% chi phí giống. Mô hình này giúp khắc phục hiện tượng thiếu lao động mùa vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa của thành phố.

Hà Anh