Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 16547 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học nông nghiệp
Xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ dược liệu cát cánh đan sâm bạch truật theo hướng GACP-WHO nhằm xây dựng nông thôn mới tại Na Hang tỉnh Tuyên Quang (10/07/2025)
Việt Nam là khu vực có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để trồng và phát triển các loại cây dược liệu, theo Đỗ Tất Lợi cho thấy tính đa dạng của dược liệu có nguồn gốc từ các loại cây cỏ, rau, hoa, củ, quả (thảo dược) và được phân bố trồng ở khắp mọi miền từ miền núi, trung du đến đồng bằng.
Nhu cầu sử dụng dược liệu tại Việt Nam cần 59.548 tấn/năm, trong đó: Phục vụ cho công nghiệp Dược: 20.986 tấn (chiếm 35%); Y học cổ truyền: 18.452 tấn (chiếm 31%); xuất khẩu kể cả chiết suất và tinh dầu 20.110 tấn (chiếm 34%). Số liệu này chưa đề cập đến nhu cầu cho sản xuất thực phẩm chức năng hiện khai thác trong tự nhiên khoảng 12.100 tấn; từ nguồn dược liệu trồng với 136 loài khoảng 15.606 tấn. Nguồn dược liệu nhập khẩu hàng năm khoảng 31.842 tấn (chiếm tới 54% tổng số nhu cầu sử dụng).
Điều này cho thấy việc khai thác và trồng dược liệu ở nước ta chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với tiềm năng của nó. Mặt khác, sản xuất còn tự phát, thiếu công nghệ sơ chế và bảo quản dược liệu là nguyên nhân dẫn đến tổn thất sau thu hoạch về cả lượng và chất.
Việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thuốc trong nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đưa ra trong công tác phát triển ngành dược. Dược liệu cát cánh, Đan sâm và Bạch truật là một trong những loại dược liệu có nhu cầu khá lớn và nằm trong danh mục kèm theo quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, danh mục dược liệu ưu tiên phát triển giai đoạn 2015 - 2020 theo quyết định 206/QĐ-BYT, danh mục thanh toán bảo hiểm 05/2015/TT-BYT, cho thấy: Cát cánh, Đan sâm, Bạch truật là những cây dược liệu được ưu tiên phát triển.
Sản xuất nông nghiệp hiện nay rất cần sự liên kết “4 nhà” gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Mỗi “nhà” có vai trò đặc biệt, cần phát huy tối đa để mang lại hiệu quả chuỗi liên kết, nhà nông có vai trò tiếp thu công nghệ trồng từ đó lao động sản xuất tạo ra các sản đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Đối với nhà doanh nghiệp, là “đầu tàu”, là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết “3 nhà” còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các sản phẩm được sơ chế, chế biến được bán ngược lại cho người nông dân hoặc bán đi nơi khác như xuất khẩu. v.v... Từ đó doanh nghiệp có tiền tiếp tục đầu tư trở lại theo một chỗi khép kín. Các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có chất lượng cao, giảm giá thành nhờ công nghệ bên cạnh đó hướng dẫn nhà nông thực hiện tốt các công nghệ được chuyển giao. Nhà nước, là nhạc trưởng để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết “3 nhà” còn lại chặt chẽ và hiệu quả, nhà nước đại diện các bộ như Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Khoa học công nghệ ...cung cấp một phần kinh phí cũng như đưa ra các cơ chế pháp lý để mỗi liên kết “3 nhà” được tốt hơn.
Tỉnh Tuyên Quang có diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.800 ha, trong đó có 70% diện tích là đồi núi, vùng núi cao chiếm khoảng 50% diện tích toàn tỉnh gồm toàn bộ huyện Na Hang, Lâm Bình, 06 xã vùng cao của huyện Chiêm Hóa (Phúc Sơn, Minh Quang, Phú Bình, Bình Phú, Yên Lập, Kiên Đài) và 02 xã vùng cao của huyện Hàm Yên (Phù Lưu, Yên Lâm). Huyện Na Hang có địa hình dưới 300m chiếm 30%; 300m đến 800m chiếm 60%; trên 900m chiếm 10%, khí hậu ở Na Hang mang tính chất của khí hậu vùng núi cao, nhiệt độ dao động lớn giữa mùa hè và mùa đông, mùa đông nhiệt độ trung bình 15 - 20 oC, mùa hè nhiệt độ lên đến 28 oC hoặc có thể hơn, xã Hồng Thái là một xã thuộc huyện Na Hang có diện tích trên 1.600 ha, độ cao 1.287 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình ở Hồng Thái chỉ khoảng 20 oC, lượng mưa 2.000 mm/năm. Như vậy huyện Na Hang nói chung và xã Hồng Thái nói riêng là địa điểm rất phù hợp cho việc nhân giống và trồng các loại cây dược liệu quý như cát cánh, bạch truật, đan sâm.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Cử nhân Phạm Thị Thúy Hường cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty cổ phần Dược phẩm và chuyển giao công nghệ Fusi thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ dược liệu cát cánh đan sâm bạch truật theo hướng GACP-WHO nhằm xây dựng nông thôn mới tại Na Hang tỉnh Tuyên Quang” với mục tiêu: Tiếp nhận và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản cát cánh, Đan sâm, Bạch truật theo hướng GACP phù hợp với địa phương; Xây dựng được mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của cát cánh, Đan sâm, Bạch truật góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tại Na Hang, Tuyên Quang.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Khảo sát, lựa chọn địa điểm triển khai của dự án:
- Mẫu đất lấy tại vùng quy hoạch để trồng Cát cánh, Đan sâm, Bạch truật được phân tích có chất lượng đất tốt và đạt tiêu chuẩn so sánh với quy chuẩn Việt Nam về hàm lượng kim loại nặng trong đất QCVN 03:2015/BTNMT.
- Tất cả các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn tại trong khu đất quy hoạch trồng dược liệu Cát cánh, Đan sâm, Bạch truật được phân tích đều ở dưới ngưỡng phát hiện.
- Mẫu nước tưới được phân tích đạt tiêu chuẩn so sánh với quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống:
Lượng phân bón phù hợp để trồng Cát cánh lấy hạt tại Na Hang, tuyên Quang là: 8 tấn phân vi sinh, đạm ure: 200 kg, phân lân: 200 kg, phân Kali: 100 kg.
Từ kết quả nghiên cứu của dự án và các nghiên cứu khác của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình sản xuất hạt giống Cát cánh.
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống Đan sâm:
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống Đan sâm. Liều lượng phân bón thích hợp nhất đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng hạt giống Đan sâm là công thức 2: 10.000 kg HCVS + 92 kg N + 66 kg P2O5 + 60 kg K2O/ha.
Từ kết quả nghiên cứu của dự án và các nghiên cứu khác của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình sản xuất hạt giống đan sâm.
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống Bạch truật:
Lượng phân bón phù hợp để trồng Bạch truật lấy hạt tại Na Hang, tuyên Quang là: 9 tấn phân vi sinh, đạm ure: 250 kg, phân lân: 400 kg, phân Kali: 200 kg.
Từ kết quả nghiên cứu của dự án và các nghiên cứu khác của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình sản xuất hạt giống bạch truật.
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng Cát cánh:
Lượng phân bón thích hợp để trồng dược liệu Cát cánh: Phân hữu cơ: 8 tấn phân vi sinh, đạm ure: 200 kg, phân lân: 200 kg, phân Kali: 100 kg.
Từ kết quả nghiên cứu của dự án và các nghiên cứu khác của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình sản xuất dược liệu Cát cánh.
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng Đan sâm:
Lượng phân bón thích hợp cho trồng Đan sâm tại Na Hang, Tuyên Quang: 10 tấn HCVS + 92kg N + 66kg P2O5+ 60kg K2O.
Từ kết quả nghiên cứu của dự án và các nghiên cứu khác của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình sản xuất dược liệu đan sâm.
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng Bạch truật:
Lượng phân bón thích hợp để trồng bạch truật lấy dược liệu: Phân chuồng hoai mục: 27 tấn, đạm urê: 405 kg, phân lân: 540 kg, phân kali: 270 kg.
Từ kết quả nghiên cứu của dự án và các nghiên cứu khác của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình sản xuất dược liệu bạch truật.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20891/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Đ.T.V (NASTIS)
Ngày cập nhật: 26/06/2025
https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/xay-dung-mo-hinh-lien-ket-chuoi-san-xuat-va-tieu-thu-duoc-lieu-cat-canh-dan-sam-bach-truat-theo-huong-gacp-who-nham-xay-dung-nong-thon-moi-tai-na-hang-tinh-tuyen-quang-11515.html
- Xây dựng và phát triển hợp tác xã sản xuất cung ứng lúa giống chất lượng góp phần... (30/06/2025)
- Đánh giá và tuyển chọn giống lúa triển vọng kháng bệnh bạc lá và đạo ôn (23/06/2025)
- Sản xuất thử các giống cà phê vối chín muộn TR14 TR15 chất lượng cao tại các tỉnh... (18/06/2025)
- Nghiên cứu chọn tạo giống Cà phê vối chất lượng cao cho các vùng trồng cà phê tập... (12/06/2025)
- Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi lợn... (05/06/2025)