Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8830
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Xây dựng, phát triển thành phố thời kỳ CNH-HĐH: Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (06/01/2012)

Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng

- Thưa Phó chủ tịch, một trong những nhiệm vụ, giải phóng đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 và Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố đề ra là tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Hiện bức tranh tổng thể về nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng tại thành phố như thế nào?
-Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 13, sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng đạt được những kết quả khá toàn diện. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, thông qua quá trình đào tạo, đào tạo lại, rèn luyện, thử thách trong cơ chế thị trường, nhân lực của thành phố từng bước được bổ sung về số lượng và chất lượng. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, quy mô dân số của thành phố là 1.837.200 người, từ 15 tuổi trở lên là 1.293.809 người, chiếm 70,38% dân số. Trong đó, số lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên hơn 105.000 người, chiếm 8,16% lực lượng lao động và 5,74% dân số thành phố, tăng gấp hai lần giai đoạn 2000 – 2005. Trong số này, tỷ lệ cán bộ nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 45,6%; số người có trình độ từ thạc sĩ trở lên tăng khoảng 200 người.
Nhân lực khoa học và công nghệ (KH-CN) có trình độ trên đại học tăng hằng năm, từng bước được trẻ hóa. Cơ cấu nghề nghiệp từng bước được đa dạng với hơn 20 ngành, nghề đào tạo, trong đó có những ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Bước đầu hình thành nhân lực KH-CN trình độ cao và xuất hiện chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực...
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng số lượng và chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của thành phố nhìn chung còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật, ngoại ngữ, một bộ phận lao động còn thiếu kiến thức về luật pháp, tác phong làm việc chưa công nghiệp và chuyên nghiệp, còn mang nặng thói quen và tập quán sản xuất nhỏ, kỷ luật lao động không nghiêm, thiếu trách nhiệm đối với công việc. Cơ cấu lao động thể hiện sự mất cân đối trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong khi lao động chưa qua đào tạo và lao động ở các trình độ khác tăng chậm, lao động có trình độ đại học tăng gần 2 lần. Nhân lực lãnh đạo các ngành kinh tế, xã hội, bộ máy nhà nước là nữ ngày càng ít về số lượng. Số người có học hàm, học vị cao không nhiều. Chất lượng cán bộ KH-CN chưa đồng đều, thiếu những người có trình độ cao, chuyên gia giỏi. Cơ cấu ngành nghề đào tạo cán bộ KH-CN không cân đối. Cán bộ có trình độ trên đại học một số ngành thế mạnh như cơ khí, công nghệ vật liệu mới, tự động hóa, chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghệ thông tin còn ít. Một bộ phận không nhỏ đội ngũ lãnh đạo quản lý nhà nước và các cơ sở sự nghiệp có tư tưởng tự thỏa mãn, chậm đổi mới, chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
- Đồng chí đánh giá như thế nào về nhu cầu và dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hải Phòng những năm tới?
-Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của thành phố, đến năm 2020, dự báo nhu cầu lao động có việc làm khoảng 1,46 triệu người. Trong đó, tỷ trọng lao động ngành dịch vụ có xu hướng tiếp tục tăng, đạt 44,76% vào năm 2015 và 51,31% vào năm 2020. Ngược lại, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm, còn khoảng dưới 14% vào năm 2020. Ngành công nghiệp, xây dựng trong hai năm tới tuy tăng về số lượng, song tỷ trọng lao động giảm nhẹ so với năm 2010 và sẽ tăng dần cả về số lượng và tỷ trọng từ năm 2014 trở đi, dự kiến đạt 34,78% vào năm 2020. Dự báo tỷ lệ lao động theo ngành đến năm 2020 của Hải Phòng phù hợp với định hướng phát triển của thành phố trong giai đoạn 2011 - 2020.
- Hải Phòng cần làm gì để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH thành phố, thưa Phó chủ tịch?
-Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng là nhiệm vụ hàng đầu và là khâu đột phá của chiến lược phát triển KT-XH trong giai đoạn CNH-HĐH thành phố. Để đạt mục tiêu phát triển nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, phân bố, cơ cấu hợp lý, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội thành phố và cả nước, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nhân lực, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành đến quá trình phát triển nhân lực và hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực...
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực, gồm các chính sách về cải cách thủ tục hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động các nguồn lực cho phát triển nhân lực, đãi ngộ và thu hút nhân tài, phát triển thị trường lao động và hệ thống công cụ, thông tin thị trường lao động.
Thứ ba, mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực. Cụ thể, tăng cường phối hợp giữa 4 bên trong quá trình phát triển nhân lực :Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và người học; phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác và tăng cường hợp tác quốc tế...
Những năm tới, thành phố đổi mới mô hình phát triển kinh tế, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Đồng thời, sẽ có nhiều dòng đầu tư từ nước ngoài vào thành phố, trong đó có dòng đầu tư từ các quốc gia như Nhật Bản, Cộng hoà liên bang Đức...Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, đội ngũ nhân lực KH-CN cần đáp ứng đủ về số lượng, cơ cấu và chất lượng, có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp. Trong đó, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ KH-CN, tập trung vào các ngành có ưu thế phát triển như dịch vụ cảng biển, logistics, cảng nước sâu, dịch vụ hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao, đóng tàu, cơ khí, vật liệu xây dựng, luyện kim, cán kéo thép, hàng tiêu dùng, xuất khẩu, ngành kinh tế dịch vụ, chế biến hải sản. Đồng thời, quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực các ngành đang trong xu hướng phát triển và có hàm lượng chất xám cao như điện, điện tử, tự động hoá, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm...
-Để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển, phấn đấu đến năm 2015, Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, dịch vụ cảng theo hướng hiện đại, thành phố cần chuẩn bị như thế nào?
-Trước mắt cần rà soát, sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo trên địa bàn từ bậc đại học, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục mầm non, bảo đảm hài hoà về cơ cấu, trình độ đào tạo, làm cơ sở cho việc ban hành cơ chế chính sách phát triển GD-ĐT. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho phát triển nhân lực thông qua các chương trình, dự án của quy hoạch nguồn nhân lực KH-CN và thông qua các kế hoạch, đề án phát triển nhân lực khác. Ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện Trường đại học Hải Phòng, Trường đại học Hàng hải, Trường đại học Y Hải Phòng và các cơ sở đào tạo công lập khác. Tăng định mức chi ngân sách thành phố và ngân sách trung ương cho ngành GD-ĐT, KH-CN và công tác phát triển nhân lực của thành phố.
Thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho tất cả các trường (công lập và ngoài công lập) đào tạo những ngành nghề thành phố và vùng Duyên hải Bắc bộ có nhu cầu cao, đồng thời tăng cường quản lý các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT, nhất là GD-ĐT chất lượng cao, nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, thủ tục hành chính, thông tin thị trường cho nhà đầu tư; khuyến khích và ưu tiên quỹ đất cho phát triển các cơ sở GD-ĐT theo đúng định hướng, quy hoạch đã đề ra; tiếp tục tăng chi ngân sách thành phố cho GD-ĐT, từng bước thí điểm hỗ trợ ngân sách thành phố cho hoạt động của các cơ sở ngoài công lập theo kết quả đào tạo của các trường, đặt hàng đào tạo ...Thành phố duy trì và phát triển các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chú trọng việc xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng và quy hoạch cán bộ. Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài đến năm 2020.
Theo quy hoạch nhân lực đã được phê duyệt, nhu cầu vốn đào tạo của thành phố đến năm 2020 khoảng 34 nghìn tỷ đồng bao gồm cả nhu cầu vốn sự nghiệp và nhu cầu vốn đầu tư phát triển. Trong đó, nhu cầu vốn sự nghiệp cho đào tạo nghề, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học và Đề án 100 đến năm 2020 là 13.086 tỷ đồng; nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho đào tạo nghề, cao đẳng, đại học, sau đại và thành lập một số trường học mới là 21.156 tỷ đồng.
-Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo: baohaiphong.com.vn