Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6967
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Bảo quản hạt giống rau màu quy mô nông hộ - những điều cần lưu ý (20/09/2016)

Để chủ động nguồn giống chất lượng tốt sẵn có tại địa phương, bà con có thể tự chọn, bảo quản một số hạt giống rau màu thuần, nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, duy trì nguồn gen quý bản địa, tạo sự đa dạng sinh học trên đồng ruộng. Bài viết xin giới thiệu những điều cần lưu ý trong phương pháp bảo quản hạt giống rau màu quy mô nông hộ:

Đối với giống bí xanh, bí ngô, dưa chuột:

- Chỉ các giống rau quả thuần (không phải giống lai F1) mới để được giống trồng vụ sau. Quả giống cần chọn từ những cây dưa chuột/bí ngô/bí xanh sạch bệnh, quả ra lứa đầu (quả gốc).

- Đánh dấu các quả to đều, sạch sâu bệnh để thu hoạch vào cuối vụ. Đối với dưa chuột, thu khi quả chín vàng, vỏ quả có vết rạn chân chim. Riêng với giống bí xanh, bí ngô thu quả chín già, cuống quả teo nhỏ, vỏ quả cứng và có lớp phấn trắng mờ.

- Để quả giống nơi khô ráo chờ ngày nắng to (>330C), bổ lấy hạt, đãi sạch ruột và nhớt, loại bỏ hạt lửng lép, chọn để lại những hạt chắc phơi trên nia, mẹt tre/nứa thời gian từ 4 - 5 nắng to. Khi hạt giống khô kiệt, để nguội cho vào chai/lọ sành, sứ, thủy tinh tối màu. Khi đưa hạt giống ra trồng, cần phơi lại dưới nắng nhẹ 2 - 3 giờ mới đưa vào xử lý nấm bệnh và ngâm ủ.

- Có thể bảo quản nguyên quả bí ngô/bí xanh nơi khô ráo đến vụ trồng sau, bổ lấy hạt, phơi 2 - 3 nắng nhẹ rồi đem gieo.

Đối với hạt cải canh, cải bẹ, mào gà:

- Chọn các cây cải to mập, không sâu bệnh. Khi cây non có thể thu tỉa 1 số lá gốc làm rau xanh, sau đó chăm sóc cho cây ra hoa, đậu quả để làm giống. Thu cây giống khi các quả trên cây chín già, vỏ quả chuyển từ màu xanh sang vàng nâu, thân và lá cây chuyển hanh vàng.

- Cây giống thu về ủ kín nơi khô ráo 2 - 3 ngày cho hạt quả chín hoàn toàn, phơi cây dưới nắng nhẹ cho nứt vỏ quả, đập lấy hạt, phơi tiếp 2 - 3 nắng trên dụng cụ tre nứa. Chờ hạt cải nguội, cất lưu trong lọ sành, sứ, thủy tinh màu để gieo cho vụ sau.

Đối với giống lạc:

- Chọn ngày nắng ráo thu hoạch lạc, loại bỏ các củ non, củ nhỏ, củ mọc mầm, củ 1 hạt, củ bị sâu bệnh.

 

- Chọn nhặt lấy củ to, già, vỏ căng đều, có 2 - 3 nhân, giũ sạch đất rồi phơi nguyên củ trên nong, nia tre/nứa hoặc sàn gỗ dưới nắng nhẹ.

- Tuyệt đối không rửa củ giống trong nước lã, không để củ giống đang phơi gặp mưa ướt. Đây là những yêu cầu rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ nảy mầm của hạt giống khi trồng.

- Phơi củ giống trong nhiều nắng nhẹ. Không phơi củ giống dưới nắng nóng gay gắt. Không phơi củ giống quá khô kiệt (lạc bong lụa) bởi chất dầu trong hạt lạc dễ bị oxy hóa, làm giảm khả năng nảy mầm của hạt giống. Cần bảo quản lạc giống nguyên củ trong chum/vại sành, sứ, miệng và đáy chum lót 1 lớp lá chuối khô, bao kín miệng chum bằng màng nilon tối màu, để nơi khô ráo; đến vụ trồng, lấy củ giống bóc vỏ loại bỏ hạt nhăn, hạt nhỏ, rồi đem gieo. Bằng cách làm này có thể bảo quản lạc giống trên 1 năm vẫn đảm bảo tỷ lệ hạt nẩy mầm trên 90%.

Chú ý: Nên chọn bảo quản củ giống trồng từ vụ lạc thu đông trồng cho vụ xuân hè hoặc củ giống vụ xuân hè trồng cho vụ thu đông, hạt giống sẽ trẻ về tuổi sinh lý, khi trồng dễ đạt năng suất cao, đồng thời rút ngắn được thời gian bảo quản.

Nguồn: nongnghiep.vn