Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 25268 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Bệnh đầu đen ở gà và cách phòng trị (24/09/2015)
Bệnh Đầu đen ở gà do một loại đơn bào có tên khoa học là Histomonas Meleagridis khu trú ở gan và manh tràng gây ra. Gà từ 2-3 tuần tuổi đến 3-4 tháng dễ mắc bệnh nhất, gà lớn hơn vẫn có thể bị bệnh. Bệnh thường nổ ra vào những tháng nóng ẩm cuối xuân, hè và đầu thu, ở gà lớn bệnh xảy ra cả trong mùa đông. Bệnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi bởi tỷ lệ chết tới 85-95%.
1. Phương thức truyền lây: Gà mắc bệnh bài thải mầm bệnh ra môi trường bên ngoài theo 2 cách: qua trứng giun kim đã nhiễm mầm bệnh và trực tiếp qua phân.
Bệnh truyền lây qua đường ăn uống do gà ăn phải thức ăn, nước uống, chất độn chuồng, giun đất có trứng giun kim chứa mầm bệnh. Mầm bệnh tồn tại rất lâu trong giun đất, đây là một trong những nguyên nhân sâu xa để bệnh cứ lặp đi lặp lại trong một thời gian rất dài tại cơ sở chăn nuôi sau khi đã điều trị khỏi bệnh.
2. Triệu chứng: Đây là bệnh đặc thù của gà nuôi theo phương thức tập trung thả vườn. Thời gian ủ bệnh dài từ 7 đến 28 ngày, với các thể bệnh sau:
* Thể quá cấp và cấp tính: Bệnh xảy ra đột ngột, gà bỏ ăn, ủ rũ, xù lông, sốt cao trên 440C, rúc đầu vào nách cánh, đứng run rẩy hoặc tìm chỗ có ánh nắng, chỗ có nhiệt để sưởi.
Gà tiêu chảy, lúc đầu phân loãng vàng nhiều bọt, sau đó chuyển sang lẫn máu rất giống bệnh cầu trùng vài ba ngày sau khi dùng thuốc điều trị cầu trùng thì phân chuyển thành thỏi nâu đỏ nhạt như gạch non, cuối cùng gà ỉa phân loãng màu trắng lờ lờ như nước vo gạo đặc.
Da mép, da vùng đầu, mào, tích của gà có màu xám nhạt dần dần chuyển sang xám xanh hoặc xám xanh thẫm do đó bệnh có tên là bệnh Đầu đen.
Bệnh kéo dài 10 - 20 ngày, gà bỏ ăn nên rất gầy, do rét nên thường thấy gà run hoặc co giật, lúc này thân nhiệt xuống dưới mức bình thường và gà sẽ chết trong 1-2 ngày tới. Lúc đầu gà bệnh chết rải rác vào đêm sau tăng dần số chết và chết cả ban ngày nên người chăn nuôi nghĩ là bệnh không trầm trọng lắm nhưng nếu không được điều trị đúng cách gà sẽ chết 85 - 95% tổng đàn.
* Thể mãn tính: Thường xảy ra ở gà lớn trên 5 tháng tuổi, biểu hiện triệu chứng giống thể quá cấp và cấp tính, nhưng với mức độ bệnh nhẹ hơn, tỉ lệ chết ít hơn, bệnh kéo dài lê thê hàng tháng, gà gầy, giảm năng xuất chăn nuôi, tỷ lệ chết không cao khoảng 10 - 20%.
3. Phòng bệnh: Không nuôi chung gà tây với gà ta và không nuôi nhiều lứa gà trong cùng 1 cơ sở chăn nuôi, thực hiện cùng vào cùng ra.
Gà từ 20 ngày tuổi trở lên cho uống Sulfat đồng hoặc thuốc tím với liều 1g thuốc tím hoặc 1 g sulfat đồng pha với 10 lít nước cho gà uống trong vòng 2h nếu thừa phải đổ đi, sau đó rửa sạch máng uống cho gà uống nước bình thường và cứ 18 đến 20 ngày cho gà uống một lần.
Định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi và sân chơi của gà. Đối với gà nuôi thả vườn cứ 10 - 20 ngày thì sân, vườn phải được cuốc xới và rắc vôi bột một lần để diệt giun đất.
Hạn chế thả gà ra vườn khi trời mưa ẩm. Định kỳ tẩy giun sán và dọn sạch phân sau khi tẩy.
5. Điều trị: Phải làm đồng thời 2 việc sau:
- Tiêm bắp vào nách cánh một trong các loại thuốc sau: T.Avibracin 1ml/5 kg P/lần/ngày; Macavet hoặc Flodovet 1ml/7kg P/lần/ngày; tiêm 3 ngày.
- Cho uống T.cúm gia súc 20g; Hepaton hoặc T.Flox.C: 20g; bổ gan-thận-lách.TA.Sorbitol+B¬12: 40gr; gluco.K.C.B2: 100g. Các loại thuốc trên pha vào 15-20lit nước cho 100kg P, cho gà uống cả ngày, dùng liên tục 4 ngày.
Nguồn: PV tổng hợp
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)