Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2993
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Bệnh và côn trùng hại thanh long (16/08/2018)

             1. Bệnh đốm trắng trên cây thanh long

Vết bệnh ban đầu là những đốm tròn nhỏ, màu trắng, hơi lõm, về sau chuyển sang màu vàng cam và khi bệnh phát triển nặng, đốm bệnh trở thành vết loét có màu nâu, hơi gờ lên và gây ảnh hưởng nặng đến sinh trưởng của cây, năng suất và giá trị thương phẩm của quả.

Bệnh thường gây hại trên bẹ non, nụ bông, trái non và giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Trong dân gian, bà con nông dân còn gọi là bệnh đốm tắc kè, bệnh ma... do đặc điểm hình dạng, màu sắc và giai đoạn phát triển của vết bệnh.

Bệnh do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra. Bệnh chủ yếu xuất hiện và tấn công mạnh vào mùa mưa, nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển là từ 20-300C. Ẩm độ càng cao càng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tấn công và lây lan mạnh. Bệnh lây theo gió và nguồn nước nhiễm bệnh. Những vườn vệ sinh kém, rậm rạp và bị che mát nhiều, vườn sử dụng nhiều phân đạm hay bón phân chuồng chưa ủ hoai, vườn sử dụng nhiều chất kích thích tăng trưởng hay vườn bón thiếu trung vi lượng đều có tỷ lệ bệnh cao hơn bình thường và khi có bệnh thì khó phòng trị hơn.

Biện pháp quản lý:

- Vệ sinh sạch cỏ dại, tỉa cành cho vườn và trụ thanh long thông thoáng.

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây nếu vườn gần với vườn đã bị bệnh.

- Không tưới nước lên tán cây và không tưới vào chiều tối.

- Cắt bỏ thu gom hết các cành lá, quả bị bệnh mang ra ngoài chôn tiêu huỷ.

- Bón cân đối phân NPK (nên sử dụng NPK+Ca, Mg, S).

- Không tưới nước bị ô nhiễm (nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, tuyệt đối không được bỏ cành hay quả bị bệnh xuống nguồn nước tưới).

- Không được lấy giống từ những khu vực bị bệnh hoặc không có nguồn gốc rõ ràng.

- Khi cây ra đọt non, có thể phun ngừa luân phiên các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất Propiconazole, Trifloxystrobin, Iprodione, Mancozeb 7-10 ngày/lần (tuỳ vào điều kiện mưa bão).

- Khi phát hiện cành, quả bị bệnh, phải tiêu huỷ ngay để tránh lây lan và phun một trong các loại thuốc trị bệnh phổ rộng như: Benomil, Cario top 600 WDG... Nếu áp lực bệnh cao có thể phun định kỳ 5-7 ngày/lần, khi phun thuốc phải bảo đảm thời gian cách ly.

2. Ốc sên hại thanh long

Loài ốc xuất hiện trên vườn thanh long có vỏ màu tím sọc trắng, có con to bằng cườm tay, lưỡi dài và có 4 râu là ốc sên. Sau những trận mưa, ốc sên bò nhanh ra khỏi chỗ ẩn nấp, tìm kiếm thức ăn. Vào thời điểm này ốc sên ăn nhanh, ăn nhiều bù thời gian trốn nắng, trốn lạnh. Từ đầu trụ, trong lùm lá thanh long, ốc sên bò xuôi xuống cành, ăn đọt non và hoa, quả thanh long.

Cách diệt trừ ốc sên:

Ốc sên thường xuất hiện nhiều sau cơn mưa đầu mùa. Khi trời tối, ốc sên lớn nhỏ di chuyển về phía có đọt non, nụ và hoa thanh long. Khi trời sáng, ốc sên lại lui về chỗ ẩn nấp nên ít khi thấy. Ốc sên to, màu vỏ tương đối sáng nên soi đèn đêm dễ phát hiện. Các chuyên gia bảo vệ thực vật khuyên, nên bắt ốc sên bằng tay, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho quả thanh long, vừa đỡ hao tiền mua thuốc. Việc này được thực hiện vào các buổi tối có mưa và mỗi tuần một lần trong suốt tháng đầu mùa mưa.

Để gom ốc cho nhanh, lấy các loại rau, cây lá ốc thích (cải ngọt, lá mướp, bầu bí, mồng tơi, giâm bụt…) đập giập đặt vào gốc thanh long, cạnh đống gạch vỡ hay các gốc cây lớn cạnh vườn thanh long. Đêm ốc sên mò ra ăn, ta dễ thu gom. Có thể dồn ốc bắt được vào cái lu, rắc chút phân urê để ốc chết, sau 1 tháng pha nước lã làm “phân hữu cơ” tưới thanh long rất tốt. Có thể dùng bả mồi dùng trị ốc bươu vàng gài lên đầu trụ hay đặt dưới gốc đánh bả chết ốc sên.

3. Trị bọ thầu dầu

Bọ thầu dầu thuộc loại bọ cánh cứng, đầu có 2 râu ngắn, thân dài từ 1,5-2cm, có 6 chân. Giữa 2 cánh có một hình tam giác nhỏ. Chúng thường tập trung cắn phá thanh long vào ban đêm. Khi đụng vào, chúng bay rất nhanh.

Bọ thầu dầu chuyên cắn phá đọt, trái non, cạp vỏ trái, cắn trụi các tai thanh long. Trái bị chúng cắn có dạng sần sùi, nếu không phát hiện kịp thời và diệt trừ hữu hiệu thì sẽ gây thiệt hại 60-80% sản lượng thu hoạch.

Biện pháp diệt trừ:

Diệt trừ bằng cách dùng thuốc Tiperanpha, liều lượng 10ml pha với 3 lít nước. Pha xong, rọi đèn pin phun liền trong đêm, phun đều trên những cành, trái thanh long sâu đang tập trung cắn phá. Sáng hôm sau, kiểm tra dưới gốc thanh long, nếu có xác sâu chết mới là có kết quả. Tối đến kiểm tra lại lần nữa, nếu vẫn còn sâu, pha thêm thuốc phun tiếp. Phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện và áp dụng các biện pháp diệt trừ kịp thời.

Bọ thầu dầu thuộc loài bọ cánh cứng nên phải sử dụng thuốc với độ độc cao, vì vậy khi phun cần phải có mũ bảo hộ, kính che mắt, khẩu trang, bao tay đầy đủ và thời gian cách ly trước khi thu hoạch để tránh ngộ độc.

4. Trừ kiến

Các loại kiến lửa, kiến vàng, kiến đen... cắn phá đọt non, hoa và trái thanh long. Diệt trừ bằng cách dùng thuốc Regent, liều lượng 1 gói 10g pha với 8 lít nước/bình xịt. Phun đều khắp cành thanh long nơi kiến tập trung phá hại.

Nguồn: Việt Linh