Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2565
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Bệnh xuất huyết trên thỏ (24/08/2017)

        Thỏ là loài rất nhạy cảm với ngoại cảnh, sức đề kháng kém, dễ nhiễm các mầm bệnh. Bệnh xuất huyết là một loài bệnh nguy hiểm, vì vậy, hiểu biết về căn bệnh này thật sự cần thiết cho người nuôi.

1. Nguyên nhân

Bệnh xuất huyết trên thỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Calici gây ra.

2. Một số đặc điểm dịch tễ

- Loài cảm nhiễm: Thỏ nuôi và thỏ hoang dại đều có thể mắc bệnh. Thỏ bị bệnh có tỷ lệ chết cao 80 - 100%.

- Lứa tuổi mắc bệnh: Thỏ trên 50 ngày tuổi, thỏ nái và thỏ sinh sản đặc biệt mẫn cảm với virus. Thỏ dưới 50 ngày tuổi ít nhạy cảm với bệnh.

- Mùa vụ mắc bệnh: Xảy ra quanh năm.

- Đường lây truyền: Bệnh có thể lây trực tiếp do tiếp xúc trực tiếp với thú bệnh hoặc gián tiếp thông qua xác thú đông lạnh hoặc các sản phẩm từ thỏ bệnh; Lây qua trang thiết bị, thức ăn bị nhiễm mầm bệnh, nước uống.

 3. Triệu chứng lâm sàng

- Bệnh xảy ra rất nhanh, nhiều trường hợp thỏ không có biểu hiện gì trước khi chết. Thời gian ủ bệnh ngắn, thông thường 1 - 3 ngày. Khi chết, tất cả đều có tư thế rất giống nhau đó là đầu hất về phía sau. Tùy vào độc lực, số lượng vi khuẩn và sức đề kháng của thỏ mà bệnh có nhiều thể khác nhau: thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính.

+ Thể quá cấp tính: Thỏ chết đột ngột sau khi bị nhiễm 10 - 12 giờ. Các biểu hiện rõ nhất là thỏ chạy nhảy, giãy giụa mạnh và kêu la trong chuồng trước khi chết. Thể này thường gặp vào giai đoạn đầu của ổ dịch.

+ Thể cấp tính: Biểu hiện sốt cao (trên 400C), khó thở. Thỏ suy nhược, khát nước, bỏ ăn chỉ 3 - 4 giờ trước khi chết. Ngoài ra, thỏ có biểu hiện lờ đờ, di chuyển chậm chạp, trước khi chết trở nên bị kích động, chạy khắp chuồng, co giật, kêu ré lên, phân sệt đen kéo thành sợi và có dịch nhờn ở hậu môn. Một vài thỏ trong xoang mũi có dịch lẫn máu và bọt dẫn đến biểu hiện nghẹt thở. Thể này thường xảy ra ở giai đoạn giữa của vụ dịch.

+ Thể mãn tính: Thỏ có biểu hiện lờ đờ, giảm ăn và biếng ăn trong 1 - 2 ngày, biểu hiện gầy mòn, xù lông và tử vong. Ở thể này, thỏ trở thành thể mang trùng và có thể phát tán virus. 

4. Biện pháp phòng, chống bệnh

Bệnh do virus gây ra nên điều trị không có kết quả, chủ yếu là người nuôi chủ động các biện pháp phòng bệnh. Trong quá trình nuôi, lưu ý thực hiện một số biện pháp an toàn sinh học như:

- Con giống trước khi nhập về nuôi cần được kiểm dịch rõ ràng, cách ly ít nhất 1 tháng mới cho nhập vào đàn;

- Tuyệt đối không nhập thịt thỏ, con giống hay thức ăn tại những vùng đang có dịch bệnh.

- Đảm bảo quá trình vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc tốt.

- Cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ thành phần dinh dưỡng, sạch sẽ, hợp lý.

- Định kỳ tiêu độc, sát trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi.

- Biện pháp quan trọng đó là tiêm vaccine phòng bệnh cho thỏ. Tiến hành tiêm định kỳ cho thỏ 2 lần/năm. Đối với những đàn thỏ chưa tiêm lần nào cần tiêm lần 1 hai mũi. Mũi 2 cách mũi 1 thời gian 14 ngày để nâng cao khả năng miễn dịch. Sau 6 tháng tiêm lần 2. 

- Khi có dịch bệnh xảy ra, việc đầu tiên phải thực hiện là cách ly thỏ bị bệnh với thỏ khỏe mạnh. Tiến hành quét dọn vệ sinh chuồng trại, chất thải, dụng cụ và lối ra vào chuồng trại bằng các chất sát trùng theo hướng dẫn của cán bộ. Công nhân phải thay trang phục bảo hộ và tắm rửa sạch sẽ trước khi ra khỏi trại. Thỏ bệnh, thỏ chết phải đốt xác hoặc chôn sâu giữa hai lớp vôi bột. Báo cáo ngay với cơ quan thú y để có biện pháp xử lý an toàn.

 

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi