Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3415
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Biến đổi khí hậu, số lượng cá voi giảm nghiêm trọng (11/10/2017)

Một nghiên cứu mới đây phát hiện số lượng cá voi ở vùng biển phía đông nước Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng.

Tác động của biến đổi khí hậu không chừa bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, kể cả đất nước hùng mạnh như Mỹ. Một nghiên cứu mới đây phát hiện số lượng cá voi ở vùng biển phía đông nước này bị suy giảm nghiêm trọng.



Số lượng cá voi lưng gù đang sụt giảm nghiêm trọng ở vùng biển phía đông Hoa Kỳ - (Ảnh: Tom Fernald).

Tối thiểu 2 lần một ngày, bắt đầu lúc chạng vạng, các nhà khoa học công tác tại bãi đá Mount Desert, tiểu bang Maine, phải trèo lên các bậc thềm lỏm chỏm, thêm vài cầu thang, bò qua một ô cửa cỏ rậm rạp để quan sát và ghi chép thông tin những con cá voi đang phun nước trên biển.

Bãi đá này cách thị trấn Bar Harbor 25 hải lý, là nơi ghi nhận nỗ lực của toàn cầu trong việc nghiên cứu về loài sinh vật biển to lớn đang bị đe dọa này.

Chỉ trong năm nay, số lần quan sát thấy cá voi trong khu vực ít hẳn đi, cho thấy mối nguy cơ đang ngày một gia tăng với cả loài cá voi lưng gù và cá voi trơn bắc Đại Tây Dương dọc theo bờ biển phía đông Mỹ.

Giảm chưa từng thấy


Bãi đá Mount Desert nơi tiến hành các thí nghiệm ở Maine năm 2011 

(Ảnh: North Atlantic Humpback Whale Catalog)

Trong mùa hè vừa rồi, số lượng cá voi lưng gù được xác định từ bãi đá này gây hoang mang dư luận: nhóm chỉ quan sát thấy 8 con thay vì 12 con như thường lệ.

Theo ước tính, 53 con cá voi lưng gù đã chết trong suốt 19 tháng qua, nguyên nhân chính là do đụng vào tàu thuyền hoặc mắc lưới câu của ngư dân.

"Thức ăn trở nên ngày càng ít và phân tán hơn, do đó buộc các loài động vật phải di chuyển nhiều hơn. Càng di chuyển nhiều, chúng càng có nguy cơ mắc nạn", Scott Kraus từ Viện Hải dương New England cho biết.

Cá voi trơn bắc Đại Tây Dương - loài thích những dòng nước lạnh, cũng đang suy giảm ở mức độ khốc liệt hơn. Cụ thể, 15 con cá voi đã chết từ giữa tháng 4 khiến quần thể này chỉ còn 450 con.


Số lượng cá voi suy giảm đáng lo ngại - (Ảnh: North Atlantic Humpback Whale Catalog)

"Chúng tôi chưa từng ghi nhận mức suy giảm nghiêm trọng như thế ở loài cá voi trơn kể từ khi dừng săn bán chúng ở vùng ven biển New England vào những năm 1700",giáo sư Karus nói.

Hiện nay, Viện Hải dương New England vẫn giữ một cuốn tài liệu hình ảnh về loài cá voi da trơn bắc Đại Tây Dương để ghi nhận số lượng cá thể của chúng. Và rất có nguy cơ một ngày nào đó, khách tham quan Viện Hải dương chỉ còn có thể quan sát cá voi da trơn thông qua những tấm ảnh đó.

Từ một máy tính văn phòng trong căn nhà duy nhất trên bãi đá Mount Desert, các nhà nghiên cứu đã sử dụng 36.000 bức ảnh chụp 9.500 cá thể để lần theo dấu vết cá voi.

Cũng chính trên hòn đảo này vào những năm 1970, các nhà khoa học lần đầu tiên xác định rằng mỗi hoa văn trên thùy đuôi cá voi hoàn toàn riêng biệt. Đây là đặc điểm nhận diện không thể thay đổi, giống như mặt của con người, trừ khi đuôi của chúng bị tổn hại khi va phải thuyền, khi bị cắn bởi cá mập hay bị chém đứt bởi các móc câu cá.


Hoa văn trên thùy đuôi cá voi gần như không thay đổi. Hình bên phải được chụp vào năm 1975 sau đó được chụp lại năm 1993 - (Ảnh: North Atlantic Humpback Whale Catalog).

Ngày nay, một phần mềm toán học giúp việc xác định cá voi trở nên dễ dàng hơn khi chia các bức ảnh ra thành nhiều loại dựa vào hoa văn trên đuôi, phần lớn được xác định bởi tỷ lệ trắng hay đen của đuôi.

Theo các chuyên gia, phần mềm phải được cải tiến hơn nữa vì họ đôi khi vẫn dùng mắt thường để phân biệt bởi sai sót của máy tính. Tuy nhiên, họ chưa có đủ kinh phí để đầu tư cho công nghệ đó.

Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học ở đây thấy rằng vịnh Maine đang ấm lên với tốc độ nhanh nhất nhì trên Trái đất, và nhiệt độ thay đổi sẽ tạo ra sự dịch chuyển trong dòng thức ăn phù du.

Khi cá voi theo những dòng thức ăn này đến các nơi khác, chúng sẽ có thể đi vào đường của các con tàu hoặc mắc vào móc câu cá của ngư dân.


Cá voi trơn mắc lưới ở Portland - (Ảnh: H. Pettis)

Steven Katona là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên bắt đầu phân tích cá voi vào những năm 1970. Giáo sư Katona và đồng nghiệp đã chụp ảnh những con cá voi lưng gù vào 1 danh sách, sau đó cũng khẳng định những hoa văn ở thùy đuôi cá voi sẽ tồn tại mãi trong suốt vòng đời của chúng.

Chùm ảnh này có thể cho các nhà khoa học biết rằng những con cá voi hiện đang ăn ở rìa biển Caribe sau đó mở rộng khu vực kiếm ăn truyền thống, từ vùng biển phía Đông tới Newfoundland và Labrador, Greenland, Iceland.

"Những động vật này rất khó nghiên cứu bởi phần lớn thời gian chúng lặn dưới nước. Chúng ta chỉ có thể thấy chúng trong một vài khoảnh khắc khi chúng nâng đuôi khỏi mặt biển hoặc khi chúng phun nước để thở. Càng khó hơn khi phải luôn mang theo dụng cụ mới có thể ghi lại được tư liệu", cô Allen - phó giám đốc phòng nghiên cứu động vật có vú đại dương Allied Whale nói.

Judy Allen cho biết hiểu được thói quen của cá voi có thể là chìa khóa giúp chúng ta cứu chúng sống sót trong những dòng nước đang ấm dần lên và phải chia sẻ môi trường sống với tàu vận tải và thuyền bè của các ngư dân.

Cạnh đó, cần có sự nỗ lực chung của cả thế giới trong việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu lên các loài sinh vật biển nói chung và cá voi nói riêng.

Nguồn: Tuổi trẻ