Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 19184
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Biến đổi văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay qua khảo sát ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, thành phố Hải Phòng (08/04/2024)

Vùng châu thổ sông Hồng (hay vùng đồng bằng sông Hồng) gồm 11 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam) là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Với những tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, địa giới, đặc biệt là truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển triển kinh tế - xã hội - văn hóa. Trong những năm qua, trước những tác động của công cuộc đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, đặc biệt là những tác động trực tiếp của Chương trình Mặt trận quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đem đến cho vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là những xã vùng nông thôn, trung du, hải đảo những "luồng gió mới" để không ngừng bứt phá, vươn lên mạnh mẽ với chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ giữa nông thôn với thị thành. Tuy nhiên, bên cạnh những biến chuyển, đổi thay tích cực lại là những hiện tượng văn hóa tiêu cực mới nảy sinh. Vì thế, việc nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá thực trạng của những biến đổi văn hóa trước tác động của Chương trình Mặt trận quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Xuất phát từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Biến đổi văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay (qua khảo sát ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, thành phố Hải Phòng) nhằm cung cấp cái nhìn bao quát về những đổi thay trong đời sống văn hóa của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới và những luận cứ khoa học để các nhà hoạch định chính sách có những biện pháp hữu hiệu để công cuộc xây dựng nông thôn mới sớm đạt được những mục tiêu đề ra cũng như mang lại cho người dân vùng đồng bằng sông Hồng chất lượng cuộc sống văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng.

Bảo vệ nét đẹp văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới là việc làm ý nghĩa.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực trạng biến đổi văn hóa ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng trước và trong quá trình xây dựng nông thôn mới (tập trung khảo sát ở 3 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Nam Định và thành phố Hải Phòng, đây là 3 tỉnh, thành nằm ở 3 đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng với những đặc trưng của văn hóa miền trung du, đồng bằng và ven biển). Những biến đổi trong đời sống văn hóa được khảo sát ở các bình diện: tư tưởng, đạo đức, lối sống; cảnh quan, môi trường văn hóa; hệ thống thiết chế văn hóa; phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội. Những biến đổi văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng từ tác động của chương trình xây dựng nông thôn mới bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Trong đó, về mặt tích cực, chương trình Mặt trận quốc gia về xây dựng nông thôn mới ra đời vào đúng thời điểm cả nước cũng như vùng đồng bằng sông Hồng đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì thế, nhu cầu, khát vọng về phát triển, tăng trưởng là vấn đề thường trực luôn được đặt ra nhằm tìm kiếm cơ hội, nguồn lực để Việt Nam bứt phá, tăng tốc trong việc thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có những mục tiêu về kinh tế, xã hội, văn hóa. Thông qua chương trình đã huy động được nhiều nguồn lực (tài lực, vật lực, nhân lực) để đầu tư, tôn tạo, khôi phục, bảo tồn hệ thống di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) cũng như xây mới nhiều thiết chế văn hóa hiện đại (đặc biệt là hệ thống Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao, sân vận động...), tạo cơ sở hạ tầng văn hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thực hành, thưởng thức, vui chơi, giải trí của nhân dân. Bên cạnh đó, một trong nội dung, mục tiêu về văn hóa mà chương trình hướng đến là kiến tạo những giá trị văn hóa mới theo hướng khoa học, tiến bộ, phù hợp với quy luật và xu hướng phát triển chung của văn hóa thế giới. Vì thế trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã tích cực phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các hoạt động văn hóa, từ văn hóa sản xuất vật chất đến văn hóa tinh thần (tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo). Cùng với các chương trình, đề án khác của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình Mặt trận quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực vào quá trình giao lưu, kết nối văn hóa giữa vùng đồng bằng sông Hồng với các vùng miền khác của cả nước, rộng hơn là giữa vùng với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện chương trình như: Mặc dù chương trình đã ban hành 19 tiêu chí mang tính thống nhất toàn quốc, có tính định hướng lâu dài. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có những yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và phong tục tập quán, truyền thống văn hóa. Vì thế, từ nội dung chương trình đến thực tiễn cuộc sống vẫn có những khoảng cách nhất định mà chương trình cũng như những quy định, hướng dẫn của các bộ ngành chưa thể bao quát hết. Trong triển khai thực hiện chương trình, một số địa phương không tính đến những yếu tố văn hóa vùng miền, bắt chước theo những mô hình, kiểu dáng văn hóa có sẵn của các địa phương khác, có thể dẫn đến nguy cơ “đồng phục văn hóa”. Trong quá trình thực hiện chương trình, trong tâm lí của không ít cán bộ và người dân địa phương vẫn còn sự trông chờ, ỉ lại, cho rằng công việc đó là do cấp trên giao; không có kinh phí thì không làm hoặc làm một cách cầm chừng theo nhiệm kỳ, phong trào. Để chương trình, phong trào xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững, lâu dài, phải tính đến vai trò, vị thế và sức sáng tạo lớn trong nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân để từ đó xây dựng, ban hành và điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp, hiệu quả và thực sự có ý nghĩa.

Về nghiên cứu và dự báo xu hướng vận động của văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, nhóm nghiên cứu nhận thấy xu hướng biến đổi văn hóa sinh kế (trong đó có xu hướng giảm tương đối về tỷ lệ nông dân trong cơ cấu xã hội và dân cư trong vùng, xu hướng đa dạng hóa các ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp), xu hướng biến đổi cơ sở hạ tầng, cảnh quan văn hóa, xu hướng biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần (bao gồm sự biến đổi giá trị văn hóa, sự biến đổi về nhu cầu văn hóa, sự biến đổi về cơ cấu tổ chức và hoạt động văn hóa và sự biến đổi về lối sống, nếp sống, phong tục tập quán). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng dự báo mâu thuẫn, rủi ro và các lực cản đối với sự phát triển văn hóa nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, mâu thuẫn giữa nhu cầu văn hóa của người dân tăng lên rất nhanh với tình trạng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa chậm phát triển, lạc hậu, chắp vá, thiếu thốn, không đồng bộ. Mâu thuẫn giữa trình độ dân trí ngày càng được nâng lên với không khí dân chủ ở nông thôn chậm được cải thiện. Xung quanh yếu tố con người ở nông thôn, còn có một số vấn đề được đặt ra như: tâm lý của người nông dân sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, khép kín vẫn còn tương đối nặng nề; việc làm và mức sống thấp là những thách thức để giải bài toán phát triển văn hóa ở nông thôn. Để phát huy những giá trị tích cực của biến đổi văn hóa, hạn chế những bất cập, nảy sinh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng đồng bằng sông Hồng phải kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong tư duy, hành động; khơi dậy tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa vật chất và tinh thần ngày càng đầy đủ, lành mạnh, phong phú. Đồng thời không ngừng tổng kết thực tiễn để đúc rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng, ban hành chính sách mới phù hợp; tăng cường nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực làm công tác văn hóa; tăng cường việc liên kết, mở rộng hợp tác đầu tư liên vùng. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác thanh, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn những hiện tượng, xu hướng biến đổi văn hóa theo hướng tiêu cực; kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong việc nhận diện thực trạng đời sống văn hóa của làng quê, cư dân với những phương diện, xu hướng biến đổi đa dạng, từ đó đưa ra những biện pháp hữu hiệu để việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng sớm đạt được những mục tiêu đề ra, giúp người dân trong vùng có đời sống vật chất no ấm, đủ đầy và đời sống tinh thần đa dạng, phong phú với những giá trị nhân văn, nhân bản, ngày càng được sản sinh, kiến tạo. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.