Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 1523 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu ứng dụng siêu âm trong buồng tim hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ (17/07/2025)
Thông liên nhĩ (TLN) là một bệnh lý có sự thông thương giữa hai tâm nhĩ, tùy theo kích thước của lỗ thông, nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng thay đổi về hình thái như giãn nhĩ phải và thất phải, dẫn đến suy tim phải và rối loạn nhịp tim do buồng tim phải lớn. Bệnh cũng ảnh hưởng đến huyết động, gây tăng áp lực động mạch phổi và tăng kháng lực mạch máu phổi, làm giảm chất lượng và thời gian sống của người bệnh. Mặc dù phẫu thuật bít lỗ thông liên nhĩ được xem là phương pháp cơ bản để điều trị thông liên nhĩ, nhưng nó cũng có một số bất lợi. Phẫu thuật có thể để lại vết sẹo dài, gây ra hội chứng máy tim phổi nhân tạo và tổn thương tâm nhĩ do quá trình khâu vá lỗ thông, tạo nên sự xơ hóa ngay tại vùng phẫu thuật, dẫn đến những di chứng lâu dài. Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứuđánh giá vai trò của siêu âm trong buồng tim trong thủ thuật bít thông liên nhĩ lỗ thứ phát bằng dụng cụ qua ống thông, hầu hết các nghiên cứu nàyđều cho thấy đây là phương pháp này có hiệu quả và an toàn. Tại Việt Nam, năm 2010, nghiêncứu của tác giả Nguyễn Thượng Nghĩa và cộng sự đã đưa ra báo cáo đầu tiên về vai trò của siêu âm trong buồng tim hướng dẫn bít thông liên nhĩ lỗ thứ phát bằng dụng cụ qua ống thông. Kết quả cho thấy, bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ dưới hướng dẫn của siêu âm trong buồng tim là một biện pháp chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có nghiên cứu dài hạn nào đánh giá tính hiệu quả và an toàn của siêu âm trong buồng tim hướng dẫn bít thông liên nhĩ lỗ thứ phát bằng dụng cụ qua ống thông, cũng như chưa có quy trình cụ thể nào hướng dẫn sử dụng siêu âm trong buồng tim tại Việt Nam. Trước nhu cầu đó, Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì thực hiện đề tài ““Nghiên cứu ứng dụng siêu âm trong buồng tim hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ”. Với mục đích đánh giá được hiệu quả của siêu âm trong buồng tim hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ; xây dựng quy trình kỹ thuật siêu âm trong buồng tim hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ
Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu tổng quan trong và ngoài nước về siêu âm trong buồng tim, thu thập và nghiên cứu tài liệu đã từng được thực hiện tương tự trong những năm vừa qua, lựa chọn những tài liệu mới, xác định mục tiêu nghiên cứu chưa từng được thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương có cỡ mẫu lớn, thiết kế nghiên cứu chặt chẽ. Bên cạnh đó, thu thập những tài liệu nghiên cứu các phương pháp từ chọn lọc bệnh nhân đến quy trình siêu âm tim qua thực quản, kỹ thuật siêu âm tim trongbuồng tim, quy trình theo dõi bệnh nhân sau bít dù ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu tổng quan và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân để lập quy trình tuyển chọn bệnh nhân nhằm đưa ra các chỉ định sử dụng siêu âm tim trong buồng tim trong bít dù lỗ thông liên nhĩ.
Quy trình chọn bệnh bít dù thông liên nhĩđược nhóm nghiên cứu xây dựng với các bước cụ thể như: Lựa chọn những bệnh nhân đến khám và điều trị tại phòng khám Khoa Tim mạch can thiệp trong thời gian nghiên cứu. Bệnh nhân được lựa chọn tham gia vào nghiên cứu phải thỏa mãn các tiêu chuẩn xác định thông liên nhĩ trên lâm sàng và cận lâm sàng (đặc biệt là siêu âm tim qua thành ngực) có thể bít dù bằng dụng cụ được. Các bệnh nhân này không thuộc chống chỉ định; Tất cả bệnh nhân được phát hiện thông liên nhĩ qua tầm soát ban đầu (được khám lâm sàng, điện tâm đồ, XQ tim phổi, siêu âm tim qua thành ngực), được giới thiệu tới Khoa Tim mạch can thiệp/ PK Tim mạch can thiệp để đánh giá qua siêu âm tim qua thực quản có quay đĩa. Kết quả thu được hồ sơ nghiên cứu của 40 bệnh nhân tham gia nghiên cứu.
Quy trình siêu âm tim qua thực quản đánh giá thông liên nhĩ phù hợp với bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ với bước sau:Tất cả bệnh nhân được siêu âm tim qua thành ngực phát hiện thông liên nhĩ sẽ được thư ký y khoa hẹn siêu âm tim qua thực quản để đánh giá giải phẫu và kích thước lỗ thông liên nhĩ phù hợp cho quy trình bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da(Bệnh nhân được giải thích rõ và trấn an về quá trình siêu âm tim qua thực quản; Bệnh nhân nhịn ăn uống 6 giờ trước thủ thuật; Bệnh nhân ký bản cam kết làm thủ thuật; Gây tê vùng hầu họng với Lidocain Spray 4%;Gây tê thực quản bằng thuốc tê dạng gel Lidocain 4% vào thực quản; Chuẩn bị máy siêu âm tim với đầu dò siêu âm tim qua thực quản Philips X7- 2t; Bôi thuốc tê dạng gel Lidocain 4% vào đầu dò siêu âm tim qua thực quản; Bệnh nhân được cho nằm nghiêng trên giường thủ thuật và chuẩn bị; Để bồn hạt đậu dưới miệng bệnh nhân để hứng nước giải hoặc chất nôn; Tiến hành đưa đầu dò qua thực quản vào tới thực quản đoạn 1/3 dưới và bắt đầu tiến hành siêu âm tim qua thực quản đầy đủ các mặt cắt: bốn buồng, cắt ngang van ĐMC, cắt ngang trục ngắn, cắt dọc qua 2 tĩnh mạch chủ,...; Ghi nhận Video và khảo sát đầy đủ các thông số( Thể thông liên nhĩ: Nguyên phát, thứ phát, thể xoang tĩnh mạch; Kích thước giải phẫu lỗ thông liên nhĩ: đường kính lớn nhất, đường kính nhỏhất, mối liên quan với cấu trúc xung quanh: van hai lá, van 3 lá, tĩnh mạch phổi,…; Bề dày và chiều dài các rìa lỗ thông liên nhĩ: bề dày và chiều dài các rìa lỗ thông liên nhĩ – sau, sau trên, tĩnh mạch chủ trên, sau dưới, tĩnh mạch chủ dưới, động mạch chủ; Đánh giá phình vách màng; Đánh giá áp lực động mạch phổi không; Các tổn thương phối hợp: Hở van 2 lá, Hở van 3 lá).Sau khi có kết quả, bệnh nhân thông liên nhĩ thứ phát có kích thước và giải phẫu phù hợp cho quy trình bít dù thông liên nhĩ sẽ được hẹn ngày bít dù bằng dụng cụ. Sản phẩm thu được là kết quả lựa chọn 40 bệnh nhân phù hợp bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ
Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm đề tài tiến hành xây dựng quy trình kỹ thuật siêu âm tim trong buồng tim. Đây là kỹ thuật mới cần đầu dò để thực hiện thêm phương pháp nghiên cứu ứng dụng siêu âm trong buồng tim, áp dụng cho bệnh nhân có tiêu chuẩn nhận vào nghiên cứu. Các chỉ định can thiệp qua ống thông ở bệnh tim cấu trúc và điện sinh lý gần đây được mở rộng sang các bệnh lý phức tạp hơn, trong đó hình ảnh giải phẫu cấu trúc tim chính xác là chìa khóa để có kết quả điều trị tối ưu. Sự ra đời của siêu âm trong buồng tim (SATBT) thể hiện sự tiến bộ lớn trong chẩn đoán hình ảnh tim và nó đã trở thành một phần không thể thiếu của một loạt các thủ thuật can thiệp tim mạch qua da. SATBT có thể được thực hiện bởi thủ thuật viên chính, dưới gây tê tại chỗ, cho phép đánh giá thời gian thực về hình ảnh cấu trúc của tim trong các thủ thuật can thiệp và hướng dẫn thao tác đặt ống thông. SATBT đã hỗ trợ phần lớn siêu âm tim qua thực quản, nó là phương tiện hình ảnh lý tưởng cho các hướng dẫn thủ thuật như: bít thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua ống thông, cắt đốt điện sinh lý trong rối loạn nhịp tim và có vai trò trong các thủ thuật khác như: nong van 2 lá qua ống thông, thay van động mạch chủ qua ống thông, đóng tiểu nhĩ. Các bước thực hiện được tiến hành như sau: Bệnh nhân nằm ngửa thoải mái trên bàn thủ thuật, sát trùng vùng bẹn 2 bên và trải khăn vô khuẩn; Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2%. Nếu bệnh nhân lo lắng nhiều có thể tiền mê; Đặt dụng cụ mở đường vào mạch máu 8F-10F vào tĩnh mạch đùi; Heparin tĩnh mạch 50-70 IU/Kg; Đưa đầu dò siêu âm trong buồng tim vào nhĩ phải từ tĩnh mạch đùi dưới hướng dẫn của màng hình tăng sáng; Tiến hành khảo sát giải phẫu cấu trúc tim và hướng dẫn thủ thuật phù hợp.
Quy trình bít dù thông liên nhĩ thứ phát có giải phẫu phù hợp bằng dụng cụ dưới hướng dẫn của siêu âm trong buồng tim tại phòng thông tim Khoa Tim mạch Can thiệp được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu TLN là một bệnh tim bẩm sinh khá thường gặp và trong số các thể, TLN lỗ thứ phát lại thường gặp nhất. Việc điều trị có nhiều tiến bộ, trong đó bít dù TLN lỗ thứ phát bằng dụng cụ qua ống thông là một tiến bộ quan trọng, cho phép điều trị triệt để cho người bệnh không cần phẫu thuật. Bít TLN bằng dụng cụ qua ống thông dưới hướng dẫn của siêu âm tim qua thực quản là điều trị tiêu chuẩn, tuy nhiên hiện nay có nhiều tiến bộ về hình ảnh siêu âm tim, SATBT là một bước phát triển mới, SATBT cung cấp hình ảnh thời gian thực chính xác và quy trình có thể được thực hiện nhanh hơn với kết quả thành công. SATBT hướng dẫn bít TLN được thực hiện bởi chính thủ thuật viên dưới gây tê tại chỗ. Các bước được tiến hành như sau: Bệnh nhân nằm ngửa thoải mái trên bàn thủ thuật, sát trùng vùng bẹn 2 bên và trải khăn vô khuẩn; Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2%. Nếu bệnh nhân lo lắng nhiều có thể tiền mê; Đặt dụng cụ mở đường vào mạch máu 8F-10F vào tĩnh mạch đùi trái, dụng cụ mở đường vào mạch máu 10F vào tĩnh mạch đùi phải; Heparin tĩnh mạch 50-70 IU/Kg; Thông tim phải, đo áp lực động mạch phổi trước bít TLN; Đưa đầu dò siêu âm trong buồng tim vào nhĩ phải từ tĩnh mạch đùi trái dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng; Tiến hành khảo sát vị trí, kích thước, giải phẫu lỗ ASD và các rìa xung quanh bằng các mặt cắt: ngang van động mạch chủ, cắt ngang 2 nhĩ, mặt cặt ngang 2 tĩnh mạch chủ và ghi nhận đầy đủ các thông số; Đo trực tiếp kích thước lỗ TLN bằng bóng đo (Sizing balloon) với kỹ thuật “dừng dòng – stop flow” dưới hướng dẫn SATBT; Chọn kích cỡ dụng cụ dù TLN dựa vào kích thước lỗ TLN khi đo bằng bóng đo bằng SATBT và bằng hình chụp dưới màng tăng sáng; Nạp và đưa dù vào trong hệ thống giao nhận vào nhĩ trái; Bung dù: bung đĩa nhĩ trái trong nhĩ trái và điều chỉnh để đĩa nhĩ trái song song với vách liên nhĩ dưới hướng dẫn SATBT, sau đó kéo sát về vách liên nhĩ; bung đĩa nhĩ phải bên trong nhĩ phải dưới hướng dẫn SATBT; Kiểm tra lại bằng SATBT: vị trí dù với các rìa, các cấu trúc xung quanh và luồng thông tồn lưu; Kiểm tra phim chụp dưới màng tăng sáng ở tư thế nghiêng trái chếch đầu, đảm bảo 2 đĩa của dù không chạm nhau; Nếu tất cả đều đúng vị trí ổn định thì bung cáp nối dù dưới hướng dẫn SATBT và kết thúc thủ thuật; Thông tim phải, đo lại áp lực động mạch phổi sau bít; Dụng cụ mở đường vào mạch máu được rút ngay sau thủ thuật, băng ép cầm máu (nếu dụng cụ mở đường vào mạch máu lớn ≥10F có thể khâu da hình chữ X cầm máu, chỉ khâu được cắt sau thủ thuật 24h).
Quy trình theo dõi bệnh nhân sau bít dù thông liên nhĩ bằng dụng cụ và hiệu quả lâu dài gồm các công việc: (1)Theo dõi bệnh nhân trong 24 giờ và 3 ngày nội trú: Tất cả bệnh nhân sau bít lỗ thông liên nhĩ được nằm điều trị tại phòng chăm sóc tích cực theo dõi trong 24 giờ sau thủ thuật, được theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp, Sp02 qua Monitor, nước tiểu tại phòng Hồi sức Tim Mạch, bệnh nhân được rút Sheath đùi sau 4 đến 6 giờ sau khi thủ thuật kết thúc. Bệnh nhân được nằm theo dõi nội trú từ 4 ngày sau đó đo điện tâm đồ, siêu âm tim qua thành ngực kiểm tra kết quả bít dù trước khi xuất viện; Dùng Aspirin 81mg/ngày trong 6 tháng sau bít dù. (2) Thăm khám và theo dõi bệnh nhân sau 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng thu thập số liệu được thực hiện gồm: số liệu trước thủ thuật và sau thủ thuật.
Hiện nay với sự cải tiến về kỹ thuật và dụng cụ, điều trị triệt để bệnh lý thông liên nhĩ bằng cách bít lỗ thông liên nhĩ lỗ thứ phát bằng dụng cụ là một trong những phương pháp được xem xét chọn lựa hàng đầu. Khi thực hiện thủ thuật bít dù thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua ống thông, bệnh nhân thường được siêu âm tim qua thực quản hướng dẫn trong quá trình thủ thuật nên thường phải tiền mê hoặc gây mê nội khí quản. Sự phát triển gần đây của siêu âm tim trong buồng tim đã hỗ trợ cho người bác sĩ can thiệp một phương tiện mới trong hướng dẫn can thiệp bít dù thông liên nhĩ mà không cần gây mê, làm khó chịu cho bệnh nhân. Lợi điểm chính của siêu âm tim trong buồng tim là chất lượng hình ảnh rất tốt, đa diện, phổ Doppler màu rất rõ ràng, và bệnh nhân không cần gây mê trong quá trình thực hiện thủ thuật. Rút ngắn thời gian soi tia và thủ thuật. Nghiên cứu đóng góp cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn trong thực hành lâm sàng chuyên ngành tim mạch can thiệp tại Việt Nam cần triển khai, nhân rộng phương pháp này ở những có sở y tế có điều kiện tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.
- Nghiên cứu chiết xuất chất chống ung thư và tạo chế phẩm từ thực vật họ cúc (Asteraceae)... (16/07/2025)
- Nghiên cứu phát triển chế phẩm chứa nano bạc có tác dụng phòng dịch tả lợn Châu Phi (15/07/2025)
- Áp dụng nguyên tắc kế toán quản trị quốc tế vào khu vực công ở Việt Nam (14/07/2025)
- Nghiên cứu khai thác và phát triển một số loài lan hài đặc hữu (hài Việt Nam, hài... (11/07/2025)
- Giá trị lâm sàng của phương pháp chẩn đoán dựa vào thành phần dị nguyên đối với bệnh... (09/07/2025)