Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 47619 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
BioNTech giải thích về phương pháp phát triển vắcxin phòng COVID-19 (13/11/2020)
Sau thông tin tích cực về một loại vắcxin COVID-19 do công ty Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển, nhà khoa học Drew Weissman đã chia sẻ về phương thức phát triển loại vắcxin này.
Biểu tượng hãng dược BioNTech tại trụ sở ở Mainz, miền tây nước Đức, ngày 18/9/2020
Các hãng dược Pfizer và BioNTech thông báo vắcxin phòng COVID-19 do hai công ty này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người.
Theo những kết quả sơ bộ, vắcxin phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất.
BioNTech giải thích về phương pháp phát triển vắcxin phòng COVID-19
Sau thông tin tích cực về một loại vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhà khoa học Drew Weissman đã chia sẻ về phương thức phát triển loại vắcxin này.
Ông là người đã phát minh ra kỹ thuật mở đường cho việc phát triển vắcxin nói trên và giai đoạn thử nghiệm thứ 3 cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi vắcxin này được cấp phép và đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp), nhà miễn dịch học Weissman thuộc Đại học Pennsylvania và cũng là cố vấn của hãng dược BioNTech, nhấn mạnh mức độ hiệu quả của vắcxin phòng COVID-19 được hai hãng dược trên công bố cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 60%-70% mà giới chức y tế kỳ vọng và cũng cao hơn nhiều so với mức 50% mà hầu hết các loại vắcxin phòng cúm đạt được.
Cả vắcxin của Pfizer và vắcxin đang được công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cùng Viện Y tế Quốc gia Mỹ phối hợp phát triển đều sử dụng các phân tử được gọi là "RNA thông tin" (mRNA) - một phương pháp chưa từng được chấp thuận trước đây.
Ý tưởng này lần đầu tiên được chứng minh vào năm 1990, song phải đến giữa những năm 2000, ông Weissman và đồng nghiệp Katalin Kariko mới phát triển một kỹ thuật để kiểm soát phản ứng viêm nguy hiểm ở động vật khi tiếp xúc với các phân tử này, qua đó mở đường phát triển các loại vắcxin an toàn cho con người.
Nhà khoa học Kariko hiện là Phó Chủ tịch cấp cao của BioNTech.
Theo ông Weissman, các vắcxin hoạt động bằng cách huấn luyện cơ thể nhận ra một số protein đặc trưng, được gọi là "kháng nguyên," vốn được virus và vi khuẩn gây bệnh tạo ra, qua đó kích hoạt hệ thống miễn dịch phản ứng.
Các vắcxin truyền thống, như vắcxin phòng sởi hoặc cúm, thực hiện quá trình này bằng cách đưa vào cơ thể con người một lượng nhỏ virus hoặc các dạng virus "giảm độc lực" yếu hơn. Phương pháp này thường mất nhiều thời gian để phát triển và tối ưu hóa việc phòng bệnh.
Ngược lại, loại vắcxin thế hệ mới của Pfizer và BioNTech dựa trên phương pháp mRNA cung cấp các "chỉ dẫn di truyền" để tạo nên các kháng nguyên trực tiếp vào tế bào, từ đó biến cơ thể con người trở thành "một nhà máy sản xuất vắcxin" một cách hiệu quả.
Nói cách khác, các vắcxin phòng COVID-19 dựa trên mRNA khiến tế bào con người phát triển một kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, còn được gọi là "protein đột biến," trên bề mặt chúng.
Hệ thống miễn dịch sẽ phát hiện những protein tăng đột biến này và phát triển "kháng thể" chống nhiễm trùng chống lại nó, mà không cần tiếp xúc với virus thực sự.
Nhà khoa học Weissman cho biết một điểm đặc biệt là các vắcxin mRNA được đánh giá an toàn hơn so với vắcxin truyền thông, vì loại trừ khả năng protein đột biến có thể khiến ai đó mắc bệnh.
Một ưu điểm khác là tốc độ: các nhà khoa học có thể mất nhiều tháng để phát triển vắcxin dựa trên các virus đã suy yếu được nuôi bên trong trứng gà hoặc các dòng tế bào thông thường.
Với vắcxin mRNA, điều cần thiết duy nhất là "trình tự" của kháng nguyên, có thể chỉ mất vài tuần để hình thành. Không giống vắcxin truyền thống, vắcxin mRNA kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch, một cơ chế phòng thủ bổ sung trên các kháng thể.
Tuy nhiên, một nhược điểm chính của vắcxin mRNA là chúng phải được bảo quản trong tủ đông chuyên dụng, trong khi một số loại vắcxin khác chỉ cần nhiệt độ tủ lạnh. Tới nay, chưa có loại vắcxin mRNA nào được chấp nhập sử dụng trên người, song chúng đã được sử dụng trên động vật.
Tuy nhiên, ông Weissman bày tỏ lạc quan về tiềm năng của vắcxin dựa trên kỹ thuật này, cho biết công tác phát triển vắcxin phòng bệnh mụn rộp Herbes, cúm và HIV đang được tiến hành.
Theo những kết quả sơ bộ được Pfizer và BioNTech công bố ngày 9/11, vắcxin phòng COVID-19 mà hai hãng này phát triển đã phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết những kết quả đầu tiên thu được từ quá trình thử nghiệm đã bước đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa COVID-19 của vắcxin do hai hãng phát triển.
Dù đã có kết quả khả quan, nhưng hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp như vắcxin sẽ có hiệu quả bảo vệ trong bao lâu.
Dù vậy, thông tin trên đã mang lại hy vọng rằng có thể trong những vắcxin đang thử nghiệm sẽ có vắcxin hiệu quả và là thông tin đặc biệt đáng hoan nghênh trong bối cảnh tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang ở những mức cao chưa từng có, các cơ sở chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện đang dần hết chỗ trong khi tỷ lệ tử vong cũng không ngừng tăng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vắcxin ngừa COVID-19, trong đó 42 vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên diện rộng thành công.
Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắcxin trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.
WHO, EU hoan nghênh thông tin về vắcxin của Pfizer và BioNTech
Ngày 9/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hoan nghênh thông tin tích cực về một loại vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người.
Đây cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi vắcxin này được cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết: "Chúng tôi hoan nghênh thông tin đáng khích lệ về vắcxin (phòng COVID-19) của Pfizer và BioNTech, đồng thời chúc mừng mọi nhà khoa học và đối tác trên thế giới, những người đang phát triển các công cụ mới an toàn, hiệu quả để đánh bại dịch COVID-19."
Ông đánh giá thế giới đang chứng kiến sự hợp tác và đổi mới khoa học chưa từng có nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, nhà khoa học Soumya Swaminathan của WHO cũng đánh giá thông tin về vắcxin của Pfizer và BioNTech sẽ là động lực thúc đẩy tất cả các chuyên gia nghiên cứu và phát triển vắcxin phòng COVID-19 tiếp tục các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gửi lời chúc mừng tới hai hãng dược của Mỹ và Đức trên, đồng thời cho biết Liên minh châu Âu sẽ sớm ký hợp đồng với Pfizer và BioNTech để mua 300 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 tiềm năng này.
Tuy nhiên, bà vẫn cảnh báo các nước thành viên cần "tiếp tục bảo vệ lẫn nhau" trong thời gian chờ đợi vắcxin phòng COVID-19.
Về phần mình, Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides mô tả thông tin được Pfizer và BioNTech công bố là "đáng khích lệ," nhấn mạnh "chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo các vắcxin an toàn và hiệu quả."
Brazil tạm dừng thử nghiệm vắcxin của Trung Quốc
Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) đã quyết định tạm dừng chương trình thử nghiệm lâm sang giai đoạn 3 tại nước này đối với loại vắcxin ngừa COVID-19 CoronaVac do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc nghiên cứu và phát triển sau khi được thông báo về một trường hợp gặp phải “tác dụng phụ nghiêm trọng."
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn thông báo của Anvisa cho biết tạm thời dừng tiêm loại vắcxin này cho các tình nguyện viên mới trong số 9.000 người được lựa chọn cho chương trình này.
Cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá các dữ liệu đến thời điểm này để đưa ra kết luận về việc có nên tiếp tục kế hoạch hay không.
Tuy nhiên, Anvisa từ chối tiết lộ chi tiết về sự cố trên và chỉ giải thích rằng “tác dụng phụ nghiêm trọng.”
Hiện vắcxin CoronaVac đang được thử nghiệm giai đoạn 3 tại Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc, song thông tin của Anvisa không cho biết sự cố trên xảy ra ở đâu./.
(BioNTech giải thích về phương pháp phát triển vaccine ngừa Covid-19)
Nguồn: Phương Oanh-Hương Giang/vietnamplus.vn
Ngày cập nhật: 10/11/2020
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)