Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 51926
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN trong nước

Bộ trưởng Y tế: “Xem xét chuyển Covid thành bệnh thông thường cuối tuần này” (30/05/2023)

Thông tin được bà Lan đưa ra chiều 29/5, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đồng thời nhắc lại quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới "đại dịch chưa kết thúc" dù đã chấm dứt Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu.

Bộ Y tế cùng các bộ ngành đã xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh, rà soát quy định, biện pháp thực tiễn phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm các nước. "Thủ tướng sẽ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 bàn thảo liên quan chuyển nhóm bệnh", Bộ trưởng nói.

Nhóm A là danh mục các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Còn nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong.

Phân loại Covid từ nhóm A sang nhóm B, đồng nghĩa với việc xem đây là bệnh thông thường, bệnh lưu hành hàng năm; và chuẩn bị công bố đại dịch kết thúc.

Hai ngày trước, cũng tại kỳ họp Quốc hội, PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch. Ba điều kiện cơ bản và cần thiết là hiện nay tỷ lệ bệnh nặng hầu như không còn; tỷ lệ bao phủ vaccine Covid cao trên diện rộng; tình hình dịch trên thế giới đã ổn định.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải trình ý kiến đại biểu, chiều 29/5. Ảnh: Media Quốc hội

Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5, trả lời báo chí, GS.TS Phan Trọng Lân (Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế) tỏ ra khá thận trọng, cho rằng hoạt động phòng chống dịch dựa trên 4 yếu tố là tình hình dịch tễ; các biện pháp phòng chống; thời điểm áp dụng biện pháp; nguồn lực, chính sách để đảm bảo thực hiện biện pháp ứng phó.

Việt Nam phải cân đối 4 yếu tố này, để khi tình huống dịch bệnh phát sinh thì áp dụng đúng thời điểm nhằm khống chế, kiểm soát nhanh chóng. Tình hình Covid-19 hiện chưa ổn định, biện pháp áp dụng vẫn phải đầy đủ. "Covid trong nhóm bệnh nào thì các biện pháp phòng chống dịch vẫn sẵn sàng có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống", ông Lân nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu cũng cho rằng Covid thuộc nhóm A hay nhóm B thì vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng, đảm bảo kiểm soát dịch và chăm sóc y tế tốt cho người dân.

Ngoài nội dung phân loại lại bệnh Covid-19, cũng tại ngày họp Quốc hội hôm qua, Bộ trưởng Lan giải trình liên quan giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm, cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm y tế. Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, kịp thời ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.

Hiện nay, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế.

Bà Lan cho biết, sau 4 lần điều chỉnh gia hạn thuốc, đến nay hơn 10.500 thuốc được gia hạn. Nguồn cung thuốc hiện có đến 22.000 mặt hàng, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, chuẩn bị trình Ban Bí thư để họp và thông qua vào tháng 6/2023, liên quan mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế và phương thức triển khai thực hiện.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác./.

Nguồn: Lê Nga/ vnexpress.net

Ngày cập nhật: 30/5/2023

https://vnexpress.net/bo-truong-y-te-xem-xet-chuyen-covid-thanh-benh-thong-thuong-cuoi-tuan-nay-4611209.html